Theo công bố của Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đến hết ngày 31-12-2015, tỉ lệ nợ công của Việt Nam ở mức 61,3% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 41,5%, trong giới hạn cho phép.
Cơ cấu nợ công hiện nay có đến 80,3% là nợ của Chính phủ, 18,2% là nợ được Chính phủ bảo lãnh, 1,5% là nợ của chính quyền địa phương. Như vậy, nợ của Chính phủ đến hết năm 2015 chiếm 48,9% GDP.
Riêng trong năm 2015, số vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài theo các hiệp định đã ký được giải ngân, phân bổ là 2,8 tỉ đô la Mỹ. Trong số này, ngành điện được phân bổ nhiều nhất với 705 triệu đô la Mỹ; ngành giao thông vay 490 triệu đô la Mỹ; bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được vay 368 triệu đô la Mỹ và ngành Y tế được vay 287 triệu đô la Mỹ.
Con số 2,8 tỉ đô la Mỹ nói trên là chỉ tính các nguồn ODA, ưu đãi theo các hiệp định đã ký trong năm; còn tính chung các nguồn ODA, ưu đãi nước ngoài khác từ những năm trước tiếp tục được giải ngân trong năm 2015 thì con số này ước đạt 5,2 tỉ đô la Mỹ (tương đương 114.000 tỉ đồng). Có đến 69% trong số 5,2 tỉ đô la Mỹ là vốn cấp phát và 31% là vốn cho vay lại.
Các địa phương được vay 1,2 tỉ đô la Mỹ (khoảng 25% tổng vốn vay). Riêng TPHCM được vay nhiều nhất là 574 triệu đô la Mỹ, còn Đồng Nai 164 triệu đô la Mỹ… để đầu tư vào các dự án hạ tầng.
Khoảng 94% danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ là các khoản vay ODA, vay ưu đãi có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi. Nhưng từ năm 2010 trở đi, các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã trở nên đắt đỏ hơn, kỳ hạn ngắn hơn so với trước đây (các khoản vay kỳ hạn 10-15 năm ít dần, chi phí huy động vốn cũng tăng gấp đôi) với lý do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Tính đến hết năm 2015, Bộ Tài chính đã bố trí trả nợ đầy đủ, với tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ nguồn thu ngân sách khoảng 13-14% so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.