Các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc (TQ) đang ngày càng lo ngại với các quy định luật pháp không rõ ràng, dư thừa năng suất công nghiệp và tinh thần bài ngoại tại nước này.
Báo The Wall Street Journal đưa tin kết quả cuộc khảo sát hàng năm của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố ngày 20-1 cho thấy các doanh nghiệp Mỹ cảm nhận môi trường kinh doanh ở TQ đang trở nên khó khăn hơn.
Trong số 496 doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát, khoảng 57%, gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, hàng tiêu dùng và dịch vụ, nói rằng thách thức lớn nhất của họ ở TQ là các thực hành quản lý bất nhất và các quy định luật pháp mù mờ.
Theo kết quả khảo sát, cứ 4 doanh nghiệp Mỹ tại TQ có một doanh nghiệp đã chuyển một số hoạt động ra khỏi TQ hoặc đang lên kế hoạch làm như vậy. Lý do phổ biến nhất là chi phí nhân công ở TQ tăng cao. Các cản trở về quy định pháp lý cũng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp Mỹ muốn rời khỏi TQ.
Trong số các doanh nghiệp Mỹ chuyển một phần hoạt động ra khỏi TQ, có 49% chuyển sang các nước đang phát triển ở châu Á.
Hầu hết các doanh nghiệp Mỹ tin rằng tinh thần bài ngoại của chính phủ TQ đang ngày càng tăng với 77% số doanh nghiệp Mỹ được khảo sát nói rằng họ cảm thấy ít được hoan nghênh hơn so với cách đây một năm. Trong khi đó, 44% doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cho biết họ bi quan về môi trường pháp lý trong tương lai ở TQ. Gần đây, TQ đã phát động nhiều cuộc điều tra chống độc quyền đối với các doanh nghiệp nước ngoài và một số doanh nghiệp này đã phải trả những khoản tiền phạt lớn cho các cơ quan chức năng TQ.
52% doanh nghiệp Mỹ trong cuộc khảo sát cho biết họ gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự cấp cao đến làm việc ở TQ do tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.
Lần đầu tiên trong 18 năm tiến hành khảo sát, các doanh nghiệp Mỹ nói họ cảm thấy lo ngại trước tình trạng dư thừa năng suất công nghiệp ở TQ. Các doanh nghiệp Mỹ cũng cho biết doanh thu và lợi nhuận của họ tại TQ bị thu hẹp lại trong năm 2015 với 13% đối mặt với thua lỗ, 23% hòa vốn và 64% có lợi nhuận, giảm so với con số 74% doanh nghiệp Mỹ tại TQ có lợi nhuận trong năm 2014.