Một lượng tiền lớn đã đổ vào thị trường bất động sản thời gian qua, từ tín dụng của các ngân hàng cho đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối. Báo cáo về thị trường bất động sản năm 2015 của Hiệp hội bất động sản TPHCM cho thấy tín dụng đổ vào bất động sản từ các ngân hàng đã tăng khoảng 18% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với mức tăng hơn 15% của năm 2014. Riêng tại TPHCM, thị trường bất động sản lớn nhất nước, tín dụng bất động sản năm 2015 đạt khoảng 140.000 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ của các ngân hàng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, nếu như tín dụng bất động sản năm 2010 đã nhảy vọt lên tới 23,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống thì năm 2011 đã tụt xuống còn khoảng 11%. Tín dụng bất động sản năm 2012 tăng lên 14%, năm 2013 là 14,7%, và năm 2014 đạt 15,2%. Mức tăng trưởng tín dụng trung bình vào thị trường bất động sản giai đoạn 2012-2014 là 14-15%. Như vậy có thể thấy tín dụng của ngân hàng đổ vào bất động sản năm 2015 đã tăng cao nhất trong 5 năm qua. “Năm 2015, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng. Nhiều ngân hàng thương mại đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp bất động sản cung ứng nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp và hỗ trợ người mua nhà”, theo nhận định của Hiệp hội bất động sản TPHCM. Bên cạnh đó, còn hai nguồn tiền lớn khác đổ vào thị trường này. Thứ nhất, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ, bằng 38,69% kiều hối của cả nước, trong đó tỷ lệ kiều hối đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,6%. Thứ hai, cả nước năm 2015 đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 22,76 tỉ đô la Mỹ, trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,32 tỉ đô la Mỹ (đứng hàng thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút nhiều FDI). Riêng TPHCM đã thu hút được nguồn vốn FDI khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực bất động sản (đứng hàng thứ 2 trong các ngành). Các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án hoặc cho vay. Có thể kể đến các thương vụ lớn có nguồn vốn FDI như Công ty Đầu tư Nam Long đã hợp tác với quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank, Công ty Hankyu Realty và Công ty Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản); Công ty An Gia hợp tác với quỹ đầu tư CREED (Nhật Bản) với tổng mức 200 triệu đô la Mỹ; Tổng Công ty Becamex tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản); Tập đoàn Gamuda Land Malaysia đã đầu tư vào dự án Celadon City (quận Tân Phú); Công ty Phúc Khang hợp tác với quỹ đầu tư Providence và công ty Adam Khoo (Singapore); Công ty Trần Thái và Công ty Tiến Phước liên doanh với Quỹ đầu tư GAW Capital; Quỹ đầu tư Vinacapital tiếp tục mở rộng đầu tư vào bất động sản… Cũng theo dữ liệu của Hiệp hội bất động sản TPHCM, qua 6 tháng thực hiện Luật Nhà ở 2014, đến nay trên địa bàn thành phố đã có khoảng 1.000 người nước ngoài đặt chỗ mua nhà, tập trung vào các dự án bất động sản cao cấp của các doanh nghiệp có thương hiệu. Số lượng Việt kiều mua nhà cũng gia tăng hơn trước. Tỷ lệ này đã gia tăng khá khi so sánh với giai đoạn thí điểm từ năm 2008 đến tháng 7-2015, trên toàn quốc chỉ có khoảng 250 người nước ngoài đặt chỗ mua nhà. |