Toàn văn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU mới chỉ được công bố bằng tiếng Anh. Bản tiếng Việt, Bộ Công thương cho biết sẽ công bố trong thời gian sớm nhất, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào năm 2018.
Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Công thương vừa công bố toàn văn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Đây là bước triển khai tiếp theo kể từ sau khi kết thúc quá trình đàm phán vào tháng 12 năm 2015.
Việc công bố công khai văn kiện giúp tất cả các bên liên quan có thể tìm hiểu về các nội dung của hiệp định từ sớm trước khi diễn ra quá trình phê chuẩn nội bộ ở cả phía EU và Việt Nam.
Bộ Công thương cho biết: Do quá trình rà soát pháp lý đang được tiến hành, khối lượng tài liệu phải biên dịch rất lớn, Bộ chưa thể công bố kèm theo bản dịch tiếng Việt của Hiệp định EVFTA. Để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhanh chóng hoàn tất công việc dịch thuật và công bố bản dịch tiếng Việt trong thời gian sớm nhất.
Sau khi hoàn tất rà soát pháp lý, Việt Nam và EU sẽ triển khai các thủ tục chuẩn bị ký kết Hiệp định. Hiện nay, thời điểm ký kết chính thức Hiệp định chưa được xác định, tuy nhiên, hai bên thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất các thủ tục cần thiết để Hiệp định có hiệu lực ngay từ đầu năm 2018.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Khi đi vào hiệu lực, Hiệp định sẽ có lợi cho cả hai phía. Việt Nam sẽ có được sự tiếp cận thị trường lâu dài đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của mình, đó là Liên minh châu Âu. Trong vấn đề này, chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam nhằm đảm bảo rằng Việt Nam có thể thu được lợi ích từ Hiệp định”.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hóa (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), Quy tắc xuất xứ, Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại dịch vụ (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), Đầu tư, Phòng vệ thương mại, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhà nước, Mua sắm của Chính phủ, Sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý), Phát triển bền vững, Hợp tác và xây dựng năng lực, Các vấn đề pháp lý.
EU là thị trưởng xuất khẩu lớn nhất (ngang bằng với Hoa Kỳ) và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang EU đã tăng trưởng gấp 3 lần trong vòng 5 năm gần đây, đạt tới 30,9 tỉ USD trong năm 2015, trong khi giá trị nhập khẩu đạt 10,3 tỉ USD.
Trong năm 2015, EU đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam, vươn lên từ vị trí thứ sáu so với năm trước đó. Liên minh châu Âu tin tưởng rằng việc thực thị EVFTA sẽ tăng cường trao đổi thương mại song phương cũng như thúc đẩy hơn nữa đầu tư của EU trên cơ sở phù hợp với các mục tiêu về phát triển bền vững của Hiệp định.
Toàn văn Hiệp định EVFTA (bản tiếng Anh) độc giả quan tâm có thể xem trên chuyên trang Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tại địa chỉ: http://portal.moit.gov.vn/fta/
Một số nội dung cụ thể của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU
1. Thương mại hàng hóa
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với các nhóm hàng quan trọng, cam kết của EU như sau:
– Dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.
– Gạo: EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm.
– Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
– Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh: về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với xuất khẩu của EU, cam kết của Việt Nam đối với các mặt hàng chính là:
– Ô tô, xe máy: Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau từ 9 tới 10 năm; riêng xe máy có dung tích xy-lanh trên 150 cm3 có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm;
– Rượu vang, rượu mạnh, bia, thịt lợn và thịt gà: Việt Nam đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm.
Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu sau lộ trình nhất định; chỉ bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm quan trọng, trong đó có dầu thô và than đá.
Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa: Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại, v.v, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
2. Thương mại dịch vụ và đầu tư
Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
3. Mua sắm của Chính phủ
Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu, v.v, Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.
Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.
4. Sở hữu trí tuệ
Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý, v.v. Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
5. Các nội dung khác
Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.