Ngày 06 tháng 4 năm 2016, Quốc Hội khóa 13 đã ban hành Luật số 106 sửa đổi, bổ sung 3 Luật đó là Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật thuế GTGT. Và người nộp thuế được hưởng lợi khi Sửa đổi Luật Quản lý thuế
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế lần này với một số nội dung đáng chú ý nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế theo tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính khả thi của Luật. Cụ thể:
Thứ nhất là: Luật số 106 của Quốc Hội đã sửa đổi nội dung về miễn, giảm thuế tại điều 61 của Luật quản lý thuế số 78 năm 2006 của Quốc Hội khoá 11, đó áp dụng với người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Theo đó, quy định các trường hợp cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế. Đồng thời Luật cũng quy định rõ hơn việc thực hiện miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50 nghìn đồng trở xuống. Tổng số thuế miễn, giảm theo quy định này hàng năm tuy không đáng kể trong tổng số thu ngân sách nhà nước, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn vì đại bộ phận người dân nông thôn, người lao động nghèo ở đô thị sẽ được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và cơ quan thuế cũng giảm được chi phí về nhân lực quản lý để tập trung vào quản lý các nguồn thu khác có hiệu quả hơn.
Thứ hai là: Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với những người nộp thuế có ý thức, thái độ tuân thủ pháp luật thuế nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về tài chính, cần có thời gian để thu xếp nguồn tiền để nộp dần số thuế nợ, Luật 106 quy định chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.
Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế gắn với điều kiện là họ phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Để bảo đảm công bằng với người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật và không nợ thuế, Luật vẫn có quy định người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đang được cơ quan thuế cho giãn thời hạn nộp.
Thứ ba là: Quy định về mức phạt chậm nộp thuế đã giảm từ 0,05%/ngày xuống mức thấp hơn là 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều so với trước đây, bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với người nộp thuế. Theo đó, Luật 106 đã quy định: Nếu người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thì ngoài việc phải nộp đủ tiền thuế, còn phải trả tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Đối với các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 01/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào ngân sách nhà nước, kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp theo tỷ lệ quy định này từ ngày 01/7/2016.
Ngoài ra, Luật cung bổ sung quy định trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ. Tuy nhiên, số tiền chậm nộp thuế mà doanh nghiệp được miễn trừ chỉ giới hạn trong phạm vi không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán.
Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016.