Ngành thuế đang gặp khó trong việc quản lý thuế đối với những mô hình kinh doanh khác xa với mô hình truyền thống do tiến bộ công nghệ thông tin hiện nay.
Vấn đề được đề cập tại hội thảo “Bàn về những nội dung giải quyết thách thức về thuế trong nền kinh tế số” do Tổng cục Thuế tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an…
Mô hình kinh doanh mới
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho rằng, nền kinh tế số (công nghệ thông tin và truyền thông) đã và đang tạo ra quá trình thay đổi trong mô hình và tập quán kinh doanh theo phương thức truyền thống.
Nét đặc trưng cơ bản của nền kinh tế số được đề cập đến đó là: Công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang tạo ra quá trình thay đổi trong mô hình và tập quán kinh doanh theo phương thức truyền thống.
Chẳng hạn, lĩnh vực bán hàng truyền thống qua sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) hay website TMĐT có eBay, Amazon, Alibaba, Tabao…; lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trên nền tảng công nghệ như: Google, Facebook, Uber, Easy taxi, Grab taxi,… lĩnh vực kinh doanh các tài sản vô hình như game, ứng dụng cho thiết bị di động thông qua các chợ ứng dụng…
“Mặc dù nhiều mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số có sự tương đồng với kinh doanh truyền thống nhưng các tiến bộ hiện đại trong công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều loại hình kinh doanh mà về cơ bản có quy mô lớn hơn và hoạt động kinh doanh trên một khoảng cách xa hơn mô hình kinh doanh truyền thống.
Chính điều này đang tạo ra thách thức không hề nhỏ về thuế nảy sinh trong nền kinh tế số đối với thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh không hiện diện tại nước tạo ra giá trị hàng hoá”, ông Nam cho hay.
Bên cạnh đó, trong mô hình giao dịch B2C (nghĩa là người tiêu dùng cá nhân mua trực tiếp từ các nhà cung cấp nước ngoài) đang tác động vào sân chơi thiếu bình đẳng giữa các nhà cung cấp nước ngoài và các nhà cung cấp trong nước, không phản ánh được chính xác sự thâm hụt trong cán cân thương mại quốc tế và chứa đựng những rủi ro cho người tiêu dùng tại nước tạo ra giá trị hàng hoá…
Thách thức quản lý thuế
Do hoạt động TMĐT rất đa dạng và phong phú, phạm vi kinh doanh rộng đã tạo ra những thách thức về thuế mà cơ quan thuế các nước phải đối mặt. Hàng loạt vấn đề đặt ra mà ngành Thuế phải giải quyết như: Làm thế nào để xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số phát sinh tại nước tạo ra giá trị hàng hoá?
Làm thế nào để giành quyền đánh thuế đối với các giao dịch về dịch vụ và tài sản vô hình xuyên biên giới phát sinh trong nền kinh tế số; xác định dữ liệu tại nơi phát sinh thu nhập, nơi xử lý và nơi sử dụng cho mục đích tính thuế ra sao; xác định khái niệm về nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập như thế nào để quản lý thuế…
Theo ông Nam, đây là một vấn đề khó, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành.
Thực tế quản lý thuế thời gian qua, tại Việt Nam đã phát sinh một số trường hợp mà cơ quan báo chí đã nêu nhiều liên quan đến lĩnh vực này.
Như tính hợp pháp và nghĩa vụ về thuế của mô hình hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ kết nối vận chuyển của Uber; tính hợp pháp và nghĩa vụ về thuế của hoạt động kinh doanh tiền điện tử hay tiền kỹ thuật số; tình hình quản lý thuế đối với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, Facebook. Hay việc cung cấp ứng dụng và game thông qua chợ ứng dụng của Apple, Google trên thiết bị di động; tình hình quản lý thuế đối các cá nhân kinh doanh hàng hoá truyền thông trên các trang mạng xã hội như Facebook…
“Chúng tôi cũng hy vọng kết quả hội thảo này sẽ giúp ngành Thuế quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế số được hiệu quả, hiệu lực và đây là tiền đề cho sự phối hợp chặt chẽ và lâu dài giữa Tổng cục Thuế với các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý thuế nói chung và công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng…”, ông Nam nói.
Được biết, tới đây Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tài chính đề xuất và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, cơ chế phối hợp quản lý; tiến tới thành lập bộ máy chuyên trách quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT; đẩy mạnh việc hợp tác và phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị ngoài ngành thuế có liên quan như Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, hệ thống Ngân hàng…
Báo cáo của Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) dẫn số liệu định giá của World Startup Report đối với 3 DN của Việt Nam (năm 2013) cho thấy, Công ty cổ phần VNG được định giá 1 tỷ USD, Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (VCCorp) 125 triệu USD, Công ty cổ phần vật giá Việt Nam được định giá 75 triệu USD, doanh thu năm 2013 của 3 công ty này lần lượt là 2.100 tỷ đồng, 500 tỷ đồng và 300 tỷ đồng.
Tuy không đưa ra con số thuế nộp của các DN này song đại diện của đơn vị này cho biết, cơ bản các doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế, trong khi cá nhân chưa tự giác đăng ký nộp thuế.