Hàng năm, Ngành may mặc luôn góp phần rất lớn vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân cả nước. Sổ sách kế toán của ngành may cũng có đặc thù riêng, và tùy theo quy mô của công ty mà cần có những loại sổ sách để theo dõi và quản lý. Sổ sách kế toán của những công ty may thường phải được cập nhật liên tục hàng ngày, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các phòng ban khác để công việc thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và chính xác hơn.
Các công việc của kế toán dịch vụ ngành may mặc:
I) Công việc của kế toán kho:
Bạn phải có sổ theo dõi từng đơn hàng, trong đó phải ghi rõ các chứng từ xuất nhập hàng ngày, để nắm rõ các phụ liệu, vật tư tồn, để đưa ra hướng đề xuất nhập kịp thời không để chuyền may bị đứt chuyền, làm chậm tiến độ. Bên cạnh đó, nếu bạn có thuê gia công ngoài, việc ghi chép sổ sách rõ ràng sẽ góp phần quản lý được các đơn hàng tránh thất thoát, hạn chế phát sinh các chi phí. Ngoài ra, bạn cần làm các báo cáo hàng thành phẩm xuất nhập trong kho cho từng đơn hàng để làm chứng từ thanh toán. Cuối tháng, bạn cần thống kê máy móc, thiết bị, vật tư trong kho, đồng thời lập bảng khấu hao tài sản cố định.
II) Công việc của kế toán tiền lương:
Bạn phải phối hợp với phòng nhân sự, cùng với trưởng chuyền để nắm rõ danh sách công nhân, đăng ký mã số thuế cá nhân cho từng công nhân. Hàng tháng sau khi tổng kết công, giờ làm việc thực tế của từng công nhân, tùy theo vị trí làm việc và giá của từng công đoạn đã chia để tính lương chính xác cho từng công nhân, từng nhân viên, bên cạnh đó yếu tố giờ tăng ca thường xảy ra ở ngành may, bạn phải tính theo đúng quy định của luật lao động, hạn chế tối đa các vướng mắc, khiếu kiện tiền lương . Lập bảng lương tháng, lập phiếu chi và phát lương cho nhân viên theo quy định của công ty.
III) Công việc của kế toán tổng hợp:
Hằng ngày, bạn cần tập trung các chứng từ kế toán từ các bộ phận có liên quan, ghi sổ nhật ký chung, bảng cân đối tài khoản phát sinh trong tháng, các bảng phân bổ chi phí, số tiền mặt, theo dõi các khoản thu, chi , xuất hóa đơn…
Cuối tháng, lập các báo cáo GTGT, báo cáo thu nhập doanh nghiệp tạm tính, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn nộp đúng thời hạn cho các cơ quan quản lý. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của chủ quản mà bạn phải làm thêm những báo cáo nội bộ, giúp cho ban giám đốc theo dõi được tình hình hoạt động của toàn công ty.
Cuối năm cần lập các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, quyết toán thuế thu nhập cá nhân…