Việc bị truy thu và phạt oan khiến tôi không có tâm trí nào để kinh doanh nữa” – chủ một doanh nghiệp tâm sự.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, nhiều doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL cho biết họ bị truy thu và phạt tiền thuế lên đến hàng chục tỉ đồng.
Nguyên nhân xuất phát từ quy định trong Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính liên quan đến khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào có độ vênh với Luật Thuế GTGT và nghị định hướng dẫn luật này. Quy định trái khoáy này đã đẩy DN vào tình thế khó khăn, bị phạt, cưỡng chế.
Chúng tôi đã kêu cứu nhiều rồi
Điều đáng nói là dù các DN đã kêu cứu, khiếu nại nhiều lần lên cơ quan chức năng nhưng không có kết quả. Ông Lê Tuấn Kiệt, chủ DNTN Trường Hồng ở Chợ Mới, An Giang, kể ngày 28-1-2016, đơn vị ông bị Chi cục Thuế huyện Chợ Mới ra quyết định xử phạt và truy thu số tiền lên tới hơn 21 tỉ đồng.
Lý do: DN này kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn có tổng giá trị thanh toán trên 20 triệu đồng nhưng không thực hiện theo Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính, đó là đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế.
Không đồng ý với quyết định xử phạt vô lý này, ông Kiệt đã khiếu nại lên Chi cục Thuế huyện Chợ Mới nhưng cơ quan này vẫn không thay đổi quyết định. Sự việc cứ thế diễn ra cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Dương Minh Tân, chủ DNTN Hiệp Lợi, cũng bị Chi cục Thuế huyện Chợ Mới phạt và truy thu số tiền 558 triệu đồng với lý do tương tự như trên. Ông Tân kể từ khi nhận quyết định của ngành thuế, đơn vị ông không làm ăn được gì vì bị cưỡng chế tài khoản, phong tỏa giao dịch.
“Điều này khiến tôi bị suy sụp tinh thần, không có tâm trí nào để kinh doanh. Tôi làm đúng luật mà tự nhiên lại vướng vào vi phạm một cách oan uổng. DN của tôi đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế theo quy định nhưng phía bên đối tác không đăng ký khiến chúng tôi bị phạt oan, không được khấu trừ thuế GTGT… Thật là vô lý và quá bức xúc” – ông Tân than thở.
Cách tốt nhất là khởi kiện
Nhiều DN cho rằng khấu trừ thuế GTGT đầu vào và đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khấu trừ thuế GTGT tức là người mua khi mua hàng đã nộp thuế theo hóa đơn (tức nộp khâu trước, khấu trừ và hoàn thuế khâu sau). Còn đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế là thủ tục hành chính của Nhà nước quy định để nhằm áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế khi cần thiết.
Do đó, DN có đăng ký hoặc không đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế thì Nhà nước cũng không có thất thu thuế và cũng không ảnh hưởng đến thuế GTGT.
Trong khi đó, một luật sư (không muốn nêu tên) phân tích Luật Thuế GTGT và Nghị định 209/2013 không quy định rằng tài khoản phải được thông báo, đăng ký thì mới được khấu trừ thuế. Tuy nhiên, Nghị định 209/2013 có giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn điều kiện đối với một số trường hợp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đặc thù được áp dụng thuế suất 0% và hồ sơ, chứng từ thay thế cho chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, việc Bộ Tài chính làm rõ chứng từ này trong Thông tư 219/2013 là có căn cứ pháp lý.
“Tuy nhiên, khi vận dụng, cơ quan thuế đã quá lý thuyết và cứng nhắc, đẩy rủi ro về phía DN. Lẽ ra phải có quy định cho DN được chứng minh và được khấu trừ thuế. Ví dụ, bên mua và bên bán kết hợp để giải trình về hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán… Qua đó cho thấy bên bán sau khi nhận được tiền thanh toán có kê khai doanh thu, có nộp thuế thu nhập DN đối với các khoản doanh thu này thì phải chấp nhận cho DN bên mua được khấu trừ thuế” – luật sư này nhấn mạnh.
Nghị định 209/2013 chỉ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn “chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt” chứ không giao cho bộ này hướng dẫn thêm điều kiện khấu trừ thuế. DN không đăng ký tài khoản thì bị phạt hành chính vì không đăng ký chứ không thể “kéo” chuyện khấu trừ thuế vào đây.
“Do vậy, DN nên khởi kiện ra tòa để xét bạc căn cứ truy thu thuế này. Khấu trừ thuế theo điều kiện quy định ở luật và nghị định, không thể ở thông tư”
Đặc biệt theo luật sư Xoa, từ tháng 3-2016 đến nay có rất nhiều DN phản ứng với việc không cho khấu trừ, bắt truy thu thuế như trên. Vì vậy, gần đây dự thảo thông tư hướng dẫn thuế GTGT đã bổ sung quy định cho phép bên mua được khấu trừ thuế nếu bên mua có đăng ký/thông báo tài khoản. Còn bên bán không đăng ký thì bên bán bị phạt.
“Đang chờ ý kiến Bộ Tài chính”
Để tìm câu trả lời từ cơ quan chức năng, trong quá trình xử lý thông tin về vụ việc này, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần liên hệ với Tổng cục Thuế cũng như Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 ngày trôi qua, hai cơ quan này vẫn chưa có hồi âm chính thức.
Tuy vậy, một cán bộ Tổng cục Thuế cho biết lãnh đạo Tổng cục Thuế đã báo cáo với Bộ Tài chính về những vướng mắc mà các DN phản ánh. “Do Thông tư 219/2013 thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Tài chính nên Tổng cục Thuế phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ” – vị cán bộ này nói.
Trong khi đó, Cục Thuế tỉnh An Giang cho hay đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Bộ Tài chính về những vướng mắc trên để có giải pháp tháo gỡ. Qua đó nhằm tạo điều kiện cho một số DN được khấu trừ thuế GTGT.
“Không sòng phẳng
Một luật sư đặt vấn đề: Nếu bên bán có doanh thu và khai thuế thì cơ quan thuế có từ chối thu thuế thu nhập đối với các khoản doanh thu phát sinh từ tài khoản chưa đăng ký hay không? Nếu một đằng thu thuế thu nhập hết của bên bán, một đằng lại “sàng lọc” để không khấu trừ thuế GTGT của bên mua là không sòng phẳng với DN.
“Trong trường hợp kể trên, tôi cho rằng cách tốt nhất là DN nên khởi kiện để tòa xử. Nếu tòa xử DN thắng kiện, được kê khai thuế thì các DN tương tự cũng có thể khởi kiện để được kê khai thuế” – luật sư trên khuyến cáo.
Họ đã nói
Với số tiền bị truy thu và phạt lên đến mấy chục tỉ đồng, vượt quá khả năng tài chính của một công ty nhỏ nên chúng tôi không đủ điều kiện để nộp tiền theo quyết định của ngành thuế. Thậm chí vì quá khó khăn, bức xúc, buồn phiền, lo âu… nên có lúc tôi tính đến chuyện buông xuôi tất cả.
Ông Lê Tuấn Kiệt, chủ DNTN Trường Hồng”
Theo Pháp Luật TPHCM