Bộ Công Thương đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2016 đạt tỷ lệ 100% việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ qua internet.
Chiều 11-12, Bộ Công Thương chính thức công bố thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ qua internet tại địa chỉ http://vnsw.gov.vn vàhttp://tienchatthuocno.dvctt.gov.vn.
Đây là 2 dịch vụ công cấp độ 4 của Bộ Công Thương, nằm trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của cơ quan này. Theo đó, doanh nghiệp truy cập trực tuyến vào các trang điện tử nói trên và khai báo hồ sơ trực tuyến. Chuyên viên Bộ Công Thương sẽ xử lý hồ sơ trực tuyến, các thông tin phản hồi, trao đổi giữa doanh nghiệp và chuyên viên được thực hiện qua trang điện tử và trạng thái của các bộ hồ sơ được thông báo trực tiếp cho doanh nghiệp trên trang điện tử và qua thư điện tử.
Hơn nữa, hệ thống tương thích được trên các thiết bị khác nhau như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, do đặc điểm của các loại vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ có tính oxi hóa và cháy nổ rất nguy hiểm, rủi ro cao cần phải hạn chế tối đa thời gian lưu kho làm thủ tục hải quan và thời gian vận chuyển trên đường. Chính vì vậy, việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cấp giấy phép xuất nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Hóa chất mỏ Vinacomin bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng khi Bộ Công Thương triển khai chương trình này giúp cho doanh nghiệp giảm hồ sơ, thủ tục, giảm thời gian và chi phí, đặc biệt tạo uy tín cho doanh nghiệp để xuất khẩu sang các nước trong khu vực thuận lợi hơn. Việc thực hiện chương trình này cũng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng”.
Để thực hiện tốt chương trình này, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu, Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Hải quan, Công an để đảm bảo hệ thống quản lý và cấp giấy phép vận hành ổn định, tin cậy, thông suốt liên tục 24/24h; tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các cán bộ công chức về những lợi ích của hệ thống mang lại, phấn đấu đến 2016 đạt tỷ lệ 100% việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép qua internet.
Trước đây, để thực hiện xin giấy phép nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ, các doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ mang lên Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) để xin giấy phép. Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Hóa chất tiến hành kiểm tra, thẩm định, cấp giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
Tuy nhiên, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, doanh nghiệp phải làm lại, sau đó nộp và chờ cấp phép đúng quy trình cũ, như vậy sẽ mất thời gian, tốn nhiều chi phí và giảm cơ hội cạnh tranh trong việc xuất nhập khẩu.
Như vậy, với 2 thủ tục hành chính nói trên, Bộ Công Thương có tổng cộng 8 dịch vụ công cấp độ 4 đã thực hiện trong năm 2015. Trong đó, 4 thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (cấp giấy phép mô tô phân khối lớn, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon, cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi mẫu D, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp).