Doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh có thể đi vay vốn của ngân hàng, các tổ chức tài chính. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp vay vốn trong thời gian chưa góp đủ vốn thì chi phí lãi vay có được tính vào chi phí hợp lý không? Cách tính chi phí lãi vay khi chưa góp đủ vốn được tính như thế nào? Chìa Khóa Thành Công xin chia sẻ:
Căn cứ Thông tư 78/2014/TT-BTC tại Điều 6, Khoản 2, Điểm 2.18 quy định các khoản chi không được tính vào chi phí được trừ như sau:
“2.18. Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.”
Căn cứ theo quy định trên chi phí lãi vay tương ứng với phần vốn góp còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ.
Ví dụ 1:
Doanh nghiệp A mới thành lập ngày 20 tháng 01 năm 2014 có vốn điều lệ là 10 tỷ. Doanh nghiệp góp vốn thành 3 đợt.
+ Đợt 1: 5 tỷ góp vào ngày 20/2/2014.
+ Đợt 2: Góp vốn là 3 tỷ vào ngày 30/10/2014.
+ Đợt 3: Góp vốn là 2 tỷ ngày 31/12/2014.
Doanh nghiệp đã góp đủ vốn đợt 1 và đợt 2. Đến ngày 30/06/2015 doanh nghiệp mới góp thêm phần vốn còn thiếu là 2 tỷ để đủ số vốn còn thiếu.
Ngày 01/01/2015 doanh nghiệp có vay ngân hàng số tiền là 1 tỷ với lãi suất vay 1 năm là 10%, vay trong vòng 2 năm.
Chi phí lãi vay từ tháng 01 đến hết tháng 06 năm 2015 của khoản vay là = 1.000.000.000 x 10% *6 tháng/12 tháng = 50.000.000 đồng.
Kết luận:
– Số chi phí lãi vay từ tháng 01 đến hết tháng 06 của số phần vồn vay 1.000.000.000 đồng < 2.000.000.000 đồng. Phần này bị loại khỏi chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN;
– Số chi phí lãi vay từ T7/2015 trở đi khi số vốn góp đã đủ được tính toàn bộ vào chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN năm 2015.
Ví dụ 2: Doanh nghiệp B có số vốn điều lệ là 5 tỷ. Doanh nghiệp góp vốn trong vòng 2 năm. Sau 2 năm doanh nghiệp mới chỉ góp được 4 tỷ đồng.
Năm thứ 3 doanh nghiệp có vay khoản vay ngân hàng là 1 tỷ đồng, lãi suất là 10%.
Chi phí lãi vay trong năm thứ 3 = 1.000.000.000 x 10% = 100.000.000 đồng.
Kết luận:
(*) Phần chi phí lãi vay của phần 1 tỷ tiền vay này bằng số tiền vốn góp điều lệ còn thiếu. Do vậy, toàn bộ chi phí lãi vay này bị loại khỏi chi phí thuế TNDN. Tức phần chi phí lãi vay 100 triệu này loại khỏi chi phí hợp lý.
Doanh nghiệp phải loại chi phí lãi vay không được tính vào chi phí được trừ là 100.000.000 đồng vào ô B4 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Ví dụ 3: Doanh nghiệp B có số vốn điều lệ là 5 tỷ. Doanh nghiệp góp vốn trong vòng 2 năm. Sau 2 năm doanh nghiệp mới chỉ góp được 4 tỷ đồng.
Năm thứ 3 doanh nghiệp có vay khoản vay ngân hàng là 3 tỷ đồng, lãi suất là 10%.
Chi phí lãi vay trong năm thứ 3 = 3.000.000.000 x 10% = 300.000.000 đồng.
Kết luận:
– Phần chi phí lãi vay tương với phần vốn góp điều lệ còn góp thiếu là 1 tỷ không được tính vào chi phí hợp lý;
Như sau: Chi phí lãi vay năm thư 3 của phần vốn gón thiếu: 1.000.000.000 *10% = 100.000.000 đồng (Loại)
– Phần chi phí lãi vay tương ứng với phần tiền vay (3 tỷ – 1 tỷ) = 2 tỷ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN:
Như sau: Chi phí lãi vay năm thứ 3 tương ứng phần vốn vay vượt lên so với số vốn còn thiếu được tính vào chi phí hợp lý: 2.000.000.0000 đồng *10% = 200.000.000 đồng (Được tính vào chi phí được trừ);
Doanh nghiệp phải loại chi phí lãi vay không được tính vào chi phí được trừ là 100.000.000 đồng vào ô B4 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Xem thêm: