Sau sự việc mất cân đối ngân sách địa phương diễn ra tại Cà Mau và Bạc Liêu, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau.
Trao đổi với với CKTC, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, để chấn chỉnh tình trạng điều hành mất cân đối ngân sách địa phương, Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 27/4/2015 hướng dẫn xác định số chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 và văn bản ngày 16/10/2015 hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg.
Sau sự việc nghiêm trọng trong sử dụng vốn ngân sách tại hai địa phương Cà Mau và Bạc Liêu, ông Hưng cho hay, Bộ Tài chính đã có văn bản số 18410/BTC-NSNN ngày 10/12/2015 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện một số giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách địa phương, qua đó, tăng cường công tác quản lý, điều hành ngân sách các cấp địa phương.
Cụ thể, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ở mức cao nhất để hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.
Bộ cũng yêu cầu các cơ quan tài chính tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố quản lý chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao.
Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền.
Đáng chú ý, trong văn bản này, Bộ Tài chính nêu rõ, phải “quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau”.
Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tình hình thu, chi tại các cấp ngân sách trên địa bàn, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán được giao, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ trên địa bàn.
Trường hợp có địa bàn, cơ quan, đơn vị hụt thu kéo dài, chưa xử lý dứt điểm hoặc thiếu hụt tạm thời các quỹ ngân sách, phải hướng dẫn để chủ động giãn tiến độ, hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Nếu vẫn thiếu nguồn, thì sử dụng thêm nguồn lực tài chính của các địa phương theo quy định (dự phòng, quỹ dự trữ tài chính và các nguồn lực khác của địa phương) kết hợp với rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để đảm bảo cân đối.
Đối với số thu tiền sử dụng đất và các nguồn thu khác gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, trong điều hành cần căn cứ dự toán đã được giao và tiến độ thực hiện thu thực tế. Trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương không thể bù đắp từ các khoản tăng thu khác thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu này.
Nếu sau khi thực hiện các giải pháp nêu trên mà ngân sách địa phương vẫn khó khăn, địa phương có báo cáo bằng văn bản kịp thời đến cơ quan tài chính cấp trên xem xét, trình cấp có thẩm quyền cho phép tạm ứng nguồn để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là các chế độ, chính sách cho con người và chính sách an sinh xã hội.
Đến hết năm, căn cứ vào kết quả thu thực tế của địa phương và khả năng cân đối ngân sách, cơ quan tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc xử lý đối với từng địa phương.
Văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, quy định của pháp luật.