Dưới đây là một số phân tích liên quan đến tính “lợi bất cập hại” của quy định bỏ ghi nhận ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau gần nửa năm chính thức được áp dụng.
Kể từ ngày 1-7-2015, khi Luật Doanh nghiệp mới chính thức có hiệu lực thi hành, trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) không còn ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp như trước đây nữa. Một số nhà nghiên cứu pháp luật cho rằng quy định này là một bước tiến nhất định trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, nhưng dường như, quy định này chẳng qua chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Từ cải cách nửa vời…
Theo quy định trước đây, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh, các cá nhân, tổ chức phải tìm hiểu xem ngành nghề kinh doanh dự định đăng ký có thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hay không và đau đầu hơn nữa là họ còn phải tự mã hóa ngành nghề kinh doanh đó sao cho phù hợp với quy định pháp luật.
Nhưng nay, theo quy định mới thì GCNĐKDN không còn ghi nhận ngành, nghề kinh doanh nữa. Câu hỏi là vậy liệu doanh nghiệp có còn tiếp tục phải khổ sở với công việc áp mã ngành, một việc vốn chẳng phải là trách nhiệm của doanh nghiệp(1) hay không?
Theo quy định tại điều 7, Nghị định 78/2015/NĐ-CP, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp vẫn phải đau đầu để lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong “giấy đề nghị” hoặc “thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”.
Như vậy, về nguyên tắc, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh lúc thành lập và thông báo bổ sung ngành nghề trong quá trình hoạt động, nhưng những ngành, nghề kinh doanh này sẽ không được ghi nhận trên GCNĐKDN. Đây được xem như là một quy định “cởi mở” nhưng có phần “nửa vời”.
Cụ thể, về mặt thủ tục, chúng tôi cũng không thấy giảm tải cho cơ quan cấp phép cũng như cho doanh nghiệp do khi doanh nghiệp thành lập mới hoặc bổ sung vẫn phải đăng ký hoặc thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh cho cơ quan cấp phép. Đấy là chưa kể tới những ngành, nghề kinh doanh mới chưa được quy định tại bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào thì doanh nghiệp còn phải chờ các cơ quan liên quan thẩm định và cấp phép trong một khoảng thời gian mà chính họ cũng không biết khi nào mới có câu trả lời.
Việc quy định bỏ ngành, nghề kinh doanh trong GCNĐKDN một cách “nửa vời” như hiện nay không những không giảm tải thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mà còn gây ra không ít phiền hà và xáo trộn… |
…Đến thiếu thông tin kiểm chứng về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Thực tiễn cho thấy việc hợp tác đầu tư, giao dịch kinh doanh giữa các doanh nghiệp được thực hiện dựa trên cơ sở thông tin trên trang web của doanh nghiệp và rõ ràng nhất có lẽ sẽ là thông tin trên GCNĐKDN. Thông qua GCNĐKDN, doanh nghiệp sẽ biết được rằng đối tác của mình có đang kinh doanh, hoạt động đúng lĩnh vực mà mình muốn hợp tác hay không. Doanh nghiệp không phải lo ngại đối tác của mình hoạt động “chui” vì theo Luật Doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải hoạt động kinh doanh đúng ngành, nghề đã ghi trong GCNĐKDN. Chính vì lẽ đó, GCNĐKDN không chỉ là “giấy khai sinh” mà còn là bản bố cáo của chính doanh nghiệp.
Thế nhưng hiện nay, khi GCNĐKDN không còn ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nữa, các bên chỉ có thể kiểm tra thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp đối tác thông qua các trang web thông tin doanh nghiệp hoặc Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Theo quy định hiện hành(2), doanh nghiệp chỉ được yêu cầu thông báo về ngành, nghề bổ sung cho cơ quan cấp phép trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Điều này có nghĩa rằng tại thời điểm ký kết hợp đồng giao dịch với các đối tác, doanh nghiệp chưa buộc phải thông báo bổ sung ngành, nghề có liên quan đến năng lực để thực hiện hợp đồng nêu trên. Tuy nhiên,pháp luật hiện tại vẫn chưa có một cơ chế hậu kiểm để kiểm soát việc tuân thủ của doanh nghiệp trong việc thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh sau khi ký kết hợp đồng với đối tác. Thêm vào đó, với số lượng doanh nghiệp nhiều như hiện nay, thiết nghĩ phải trả lương cho biết bao nhiêu chuyên viên để thực thi công tác hậu kiểm này?
Từ thực tế nêu trên, chúng tôi nhận thấy việc quy định bỏ ngành, nghề kinh doanh trong GCNĐKDN không những không giảm tải thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mà còn gây ra không ít phiền hà và xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp. Do vậy, trong thời gian sắp tới, Chính phủ nên cần phải ban hành một nghị định sửa đổi, bổ sung về ngành, nghề kinh doanh theo hướng: (i) Chỉ những ngành, nghề kinh doanh có có điều kiện mới được ghi nhận trên GCNĐKDN khi doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo luật định trước khi đăng ký; (ii) Doanh nghiệp không phải áp mã ngành đối với ngành nghề kinh doanh dự kiến và do đó, doanh nghiệp chỉ cần làm thông báo những hoạt động muốn kinh doanh; (iii) Việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh sẽ có hiệu lực ngay tại thời điểm doanh nghiệp thông báo mà không cần phải có sự xác nhận của cơ quan cấp phép; và (iv) Thiết lập và xây dựng cơ chế hậu kiểm với chế tài rõ ràng sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khi chưa đủ điều kiện theo luật định.