Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng thuế VAT sẽ khiến giá cả nhiều dịch vụ tăng theo, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một loạt sắc thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (VAT)…
Trong số những đề xuất này, Bộ tài chính đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng có lợi cho người nộp thuế ở bậc thấp. Theo đó, số bậc thuế phải đóng sẽ giảm đồng thời điều chỉnh thu nhập tính thuế ở các bậc 1, 2 và quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp.
Theo luật thuế thu nhập hiện hành, thu nhập tính thuế dưới 5 triệu đồng đã phải đóng thuế suất 5%. Dự thảo mới đề xuất nâng lên mức 10 triệu mới phải đóng thuế. Tương tự, thuế thu nhập hiện hành quy định mức 18 triệu phải đóng thuế suất 20% theo bậc 4 thì dự thảo mới quy định thu nhập 30 triệu đồng chỉ đóng theo bậc 2 là 10%.
Trong khi đó Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi thuế VAT theo hướng tăng thuế và giảm nhóm hàng hóa ưu đãi thuế. Bộ Tài chính đề xuất hai phương án với thuế VAT thông thường: Tăng thuế VAT mức 10% hiện tại lên 12% từ ngày 1/1/2019; hoặc tăng theo lộ trình, từ năm 2019 tăng lên 12% và lên 14% từ 1/1/2021. Trong hai phương án này, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện phương án một.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM, tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến toàn dân nhưng “đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn”.
Tất cả mọi người đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế những người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. “Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn nên khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định việc thâm hụt ngân sách là nguyên nhân chính dẫn đến đề xuất tăng thuế VAT: “Việc nhiều loại thuế nhập khẩu giảm xuống còn 0% kể từ năm 2018 theo các hiệp định thương mại cũng góp một phần vào việc thu thuế của chính phủ giảm đi. Trong khi đó chi phí của chính phủ, bội chi ngân sách ngày càng tăng”.
Theo TS. Hiếu, việc tăng tăng thuế giá trị gia tăng trước mắt có thể giúp tăng thu ngân sách nhưng lâu dài ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. “Thu nhập bình quân đầu người nước ta nói chung còn thấp. Tăng thuế VAT sẽ kéo theo nhiều chi phí khác như tiêu dùng, giáo dục, giao thông, y tế… cùng đồng loạt tăng lên”, ông Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc tăng thuế VAT ảnh hưởng lớn đến người có thu nhập thấp trong khi người giàu không bị ảnh hưởng: “Việc giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng thuế VAT có lợi hơn đối với những người trung lưu và những người giàu. Thuế VAT tăng 2% ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của người nghèo trong khi giảm thuế thu nhập thì không có nhiều tác động đến họ, thậm chí không ảnh hưởng gì bởi họ không phải nộp thuế thu nhập”.
Cũng theo chuyên gia này, việc nhiều chi phí đồng loạt tăng lên như vậy có thể sẽ khiến tăng lạm phát và ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước. “Đặt dưới giả thuyết thu nhập thu nhập của người dân không tăng thì việc tăng thuế giá trị gia tăng sẽ làm giảm mức tiêu thụ của người dân. Như vậy nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế cũng như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của cả quốc gia. Chính sách tiền tệ của NHNN có hai mục tiêu: Một là ổn định tiền đồng và hai là phát triển kinh tế.
Nếu tăng thuế VAT sẽ dẫn đến tăng giá cả các mặt hàng từ đó đẩy lạm phát lên, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế của chính sách tiền tệ. Nếu thu nhập của người dân không tăng lên, sức mua giảm sút thì cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế của chính sách tiền tệ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lo ngại.
Theo antt.vn
CKTC ( Chìa Khóa Thành Công) cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp – uy tín – tận tình. Liên hệ để được hỗ trợ trực tiếp tại đây.