Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 sẽ thêm 3 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhiều điểm mới về đối tượng tham gia, cách tính lương hưu, quyền lợi của người lao động…
Theo đó, Luật sửa đổi sẽ tăng dần số năm đóng BHXH với lao động nam để được hưởng mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH.
Để được hưởng mức này, người nghỉ hưu năm 2018 cần đóng BHXH trong 16 năm, năm 2019 cần 17 năm, năm 2020 cần 18 năm, 2021 cần 19 năm, từ năm 2022 trở đi cần 20 năm.
Đối với nữ, để được hưởng mức lương hưu 45%, cần đóng BHXH trong 15 năm.
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được cộng thêm 2%, nhưng mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, để được hưởng mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng BHXH 35 năm và nữ đóng 30 năm.
Quy định về vấn đề này được thiết kế theo hướng từ khi luật có hiệu lực thi hành (1/1/2016) đến hết năm 2017 tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ năm 2018, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.
Thêm 3 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Luật cũng bỏ quy định giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện và hạ mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) xuống bằng mức chuẩn nghèo bình quân khu vực nông thôn. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, phương thức đóng BHXH tự nguyện được quy định một cách linh hoạt. Theo đó, ngoài các phương thức đã quy định thì người lao động có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện.
Lao động nam được hưởng chế độ khi vợ sinh con
Cụ thể, Luật bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần bảo đảm điều kiện đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đồng thời, sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi. Bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng BHXH giống như lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
Đối với trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.
Nếu mẹ đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH theo quy định mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không có đủ sức khỏe để chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con; tăng thêm 1 tháng cho thời gian lao động nữ nghỉ thai sản trong trường hợp con dưới 2 tháng tuổi bị chết sau khi sinh.
Bổ sung quy định chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).
Thay đổi quy trình giải quyết chế độ ốm đau, thai sản
Theo đó, cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ từ người sử dụng lao động, giải quyết và chi trả cho người lao động theo hình thức chi trả trực tiếp tại cơ quan BHXH, thông qua tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền hoặc thông qua tài khoản tiền gửi cá nhân tại ngân hàng thương mại hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động.
Nếu nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHXH chậm so với thời hạn quy định, trách nhiệm bồi thường thuộc về người sử dụng lao động và trách nhiệm thuộc về cơ quan BHXH nếu giải quyết hưởng BHXH quá thời hạn.
Hiện nay các cơ quan được giao đang khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định để BHXH Việt Nam có căn cứ tổ chức thực hiện sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.
Xem thêm:
Thông tư hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp
Từ 1/1/2016 mức đóng bảo hiểm xã hội thay đổi