Việt Nam gia nhập WTO có thể coi là cột mốc đánh dấu sự khởi đầu làn sóng hội nhập lần thứ nhất của Việt Nam. Hiện nay, việc Chính phủ đã và đang đàm phán một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ 2 mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam. Lợi ích các hiệp định tự do mang lại với DN Việt Nam nói chung, DN của Hà Nội nói riêng rất lớn, song thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ, đòi hỏi các DN phải chuẩn bị tốt nhất để nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế từ làn sóng hội nhập sâu rộng nhất từ trước tới nay.
TS. Nguyễn Việt Xô |
Những thuận lợi mà các hiệp định tự do mang lại phải kể đến là thuế quan, môi trường kinh doanh cạnh tranh, hàng hóa giá rẻ, chất lượng…Trong đó, từ trong lĩnh vực xuất khẩu, các hiệp định tự do với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa Việt Nam và các nước đối tác, sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP. Đặc biệt, với các mặt hàng vốn là thế mạnh của nước ta như dệt – may, giày dép, hang thủ công mỹ nghệ, thuốc, dược liệu… sẽ có nhiều cơ hội vào các thị trường lớn. Cùng với đó, từ góc độ mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác FTA, các DN sẽ có một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng,…
Đặc biệt, khi các hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ, lao động giữa các nền kinh tế sẽ có bước chuyển dịch. Với việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, phân bổ nguồn lực tốt hơn, cơ hội càng mở rộng hơn khi hội nhập sẽ cho phép tự do di chuyển lao động có tay nghề cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan đến thương mại và đầu tư qua biên giới…Khi đó nhu cầu về văn phòng, khách sạn cũng được dự đoán sẽ gia tăng, do đó sẽ có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản. Thông qua dòng vốn đầu tư từ các nước thành viên có trình độ phát triển cao, Hà Nội sẽ thu được những lợi ích đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, tạo ra hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Lĩnh vực đầu tư, chuyển nhượng dự án cũng sẽ tăng khi các nhà đầu tư có vốn lớn muốn đầu tư vào Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập, bởi Hà Nội là một trong hai thành phố có số lượng DN đông nhất cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì các DN cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, khó khăn cả ở lĩnh vực thương mại lẫn đầu tư. Khó khăn nhất phải kể đến là sức sép cạnh tranh gay gắt trong thị trường nội địa cũng như nước ngoài, cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại, DN sẽ phải đối mặt với rào cản dưới dạng kỹ thuật phức tạp hơn. Các mặt hàng nông sản phải đáp ứng được các quy định khắt khe hơn về an toàn thực phẩm. Những hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo quy trình kiểm định nghiêm ngặt sẽ bị trả về và không có cơ hội vào thị trường các nước đối tác FTA. Các DN cũng phải có kế hoạch để lợi ích từ hội nhập không dồn vào “vùng trũng FDI” và để các DN có thể hợp tác hiệu quả và cùng hưởng lợi với các DN FDI. Hơn nữa, chúng ta sẽ mất dần khái niệm “sân nhà”, thách thức đối với DN chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước TPP trên chính thị trường nội địa. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của thành phố về vốn cũng như đất đai trụ sở hầu như không có. Cùng với đó, theo cơ chế, nhiều DN phải di dời ra khỏi trung tâm cũng khiến DN gặp khó khăn như thiếu lao động, sản xuất bị gián đoạn, máy móc trong quá trình vận chuyển hư hỏng, việc đầu tư xây dựng tốn kém…
Lãnh đạo TP.Hà Nội thăm dây duyên sản xuất của Cty Xích Líp Đông Anh. |
Như vậy, có thể nói, Hiệp định TPP và các hiệp định FTA vừa tạo điều kiện cho DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa là sức ép buộc DN phải nâng cao cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong điều kiện mới. Luôn đồng hành cùng DN, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo để DN có thể chủ động nhận diện được những vấn đề mới của xu thế hội nhập, từ đó tận dụng tốt các cơ hội, giảm thiểu thách thức, tạo động lực cho phát triển nắm bắt các nội dung hiệp định. Đảng ủy khối cũng đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn DN tiếp cận nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Bản thân các DN cũng đã rất chủ động tìm hiểu thông tin và trang bị cho mình những điều kiện cơ bản để sẵn sàng hội nhập…Trong đó, các DN xác định khi hội nhập, DN buộc phải thay đổi công nghệ, máy móc, cũng như nâng cao trình độ tay nghề. Chính vì vậy trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ tạo điều kiện của Thành phố về đất đai, các chính sách xúc tiến thương mại, Đảng ủy khối DN Hà Nội yêu cầu các DN tiếp tục tăng cường giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động. Trong đó, các DN liên kết hỗ trợ nhau trên tinh thần cùng có lợi. Đặc biệt, các DN phải chú trọng nâng cao tay nghề cho NLĐ.
Hiện nay, có một số DN đã rất chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới và phát triển thị trường, nhiều DN đã tích cực ứng dụng công nghệ sạch, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao tay nghề cho NLĐ, như Công ty TNHH 1 TV Giống gia súc, Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh, Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội… Các công ty này đều mở các khóa học khuyến khích NLĐ tham gia nâng cao tay nghề. Trong thời gian học, NLĐ được đảm bảo nguyên lương. Nhiều DN lại chú ý tới sức khỏe của NLĐ bằng các bữa ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có khăn về cơ chế chính sách, nhưng cũng có nhiều hơn các DN quan tâm đến nhà ở cho NLĐ. Một số DN đã và đang thực hiện việc xây nhà ở cho CNLĐ ở ngay trong khu sản xuất của mình. Chính vì được đảm bảo cuộc sống, tay nghề nên NLĐ không nghĩ tới việc “nhảy việc” mà yên tâm cống hiến cho đơn vị.
Với sự lãnh đạo kịp thời của Đảng ủy khối các doanh nghiệp Hà Nội, Đảng bộ Thành phố Hà Nội, sự chủ động của chính các DN, các DN Hà Nội hoàn toàn tự tin vượt qua làn sóng hội nhập. Đặc biệt, các DN Hà Nội tin tưởng hơn khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI đã xác định mục tiêu và các khâu đột phá rất cụ thể. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm chính trị – kinh tế lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo; thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng, phát triển nhân tài; tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo. Tập trung đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế…
Với những chính sách thành phố đã và đang thực hiện, nhất là thực thi các chương trình xúc tiến thương mại có hiệu quả, cộng đồng DN và NLĐ rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Các DN đều sẵn sàng tâm thế chủ động nghiên cứu kỹ thị trường để nắm được thị hiếu, xu hướng phát triển, từ đó có kế hoạch, phương pháp marketing phù hợp. Đồng thời DN nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu; Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, ý thức kỷ luật, nhất là trình độ ngoại ngữ cho NLĐ… để sẵn sàng khi FTA và TPP chính thức được thực thi.