Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thừa nhận Việt Nam để 6.700 dòng thuế là phức tạp, gây nhiều phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và không minh bạch cho nền kinh tế
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết của Tổng cục Hải quan hôm 25/12, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ sửa Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội năm 2015. Việc này cũng nhằm góp phần tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan.
“Chúng ta đã xây dựng Luật này 12 năm rồi. Nay, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới – WTO, đã là thành viên của 7 hiệp định tự do thương mại và đang tiếp tục đàm phán 6 hiệp định khác… thì rất cần thiết phải thay đổi luật này”, ông Tuấn nói.
Ông nhấn mạnh, chúng ta không nên phức tạp quá để 6.700 dòng thuế, gây ra nhiều phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và không minh bạch cho nền kinh tế”.
Quá nhiều dòng thuế đang gây ra nhiều phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp
Quá nhiều dòng thuế đang gây ra nhiều phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp
Liên quan đến yêu cầu cải cách thủ tục, rút ngắn 50% thời gian thông quan theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, Thứ trưởng Tuấn cho biết hai vấn đề cần giải quyết sớm là quy trình phối hợp với các bộ và việc vận hành cảng.Hồi tháng 10, tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về thuế và hải quan, doanh nghiệp đã bức xúc phản ánh, công chức hải quan làm khó doanh nghiệp. Nhiều cuộc khiếu kiện kéo dài vì cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan về phân loại hàng hoá theo mã số HS. Không ít doanh nghiệp lao đao vì lệnh truy thu bất ngờ của hải quan lên tới hàng tỷ đồng. Họ cũng đề nghị ngành hải quan giải quyết phần gốc vấn đề là thu gọn dòng thuế.
Ông nhìn nhận: “Thời gian kiểm tra tiêu chuẩn và kiểm dịch đang chiếm nhiều nhất do công tác năng lực kiểm tra của chúng ta có vấn đề, bao gồm từ cả cán bộ của các Bộ. Để làm được, cần bổ sung lực lượng, xây dựng cơ chế phối hợp để kiểm tra, kiểm dịch tại 5 cửa khẩu quan trọng, cùng với đó nâng cao hiệu quả của thiết bị soi chiếu, hạ tầng kinh doanh ở cảng”.
Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, ông Nguyễn Phước Việt Dũng, cho hay, tính trung bình một lô hàng nhập khẩu thủ tục thông quan tối đa là 7 ngày, tương đương 168 giờ và việc này không phải lỗi của hải quan.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Ngọc Túc, cũng đồng tình cho rằng, các đơn vị phải làm rõ thời gian chậm trễ từ phía các Bộ.
Tuy nhiên, chậm thông quan còn do việc vận hành cảng yếu kém. Theo Thứ trưởng Tuấn, nhiều cảng hiện đại, đủ điều kiện thì công suất sử dụng kém, ví dụ cảng Cái Mép chỉ đạt 19% công suất. Nhiều cảng không thuận lợi hơn thì công suất lại gấp rưỡi, gấp đôi. Thời gian giao lưu hàng hóa ở cảng Hải Phòng tốn gấp 1,6 đến 2 lần so với cảng Cái Mép, Thị Vải do phải sang tải, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Đến nay, ngành hải quan đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử 100% tại các chi cục. Tổng cục Hải quan triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế. Đến giữa năm 2015, Tổng cục Hải quan sẽ kết nối kỹ thuật với các bộ Tài chính, Công Thương, GTVT, NN-PTNT, Y tế, TN-MT, Quốc phòng để thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, đến 2016 sẽ mở rộng đến các Bộ, ngành còn lại.
Thủ tục cho thương mại biên giới của Việt Nam, theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, tốn 21 ngày, đứng thứ 75 trên tổng số 189 nền kinh tế, tụt 1 bậc so với năm trước. Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu giảm còn 13-14 ngày để bằng mức trung bình trong ASEAN 6.
Phạm Huyền – Theo Vietnamnet