Việt Nam xếp hạng 82 thế giới, thứ 5 khu vực Đông Nam Á và thứ chín trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu.
Theo một báo cáo dài 346 trang mới được công bố tại Davos, Thụy Sỹ, Việt Nam xếp hạng 82 thế giới, thứ 5 khu vực Đông Nam Á và thứ chín trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp (lower middle income countries) về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCI – Global Talent Competittiveness Index) năm 2015. Việt Nam đứng thứ 82 chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu
So với kết quả năm 2014, thứ hạng GTCI của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và giữa các nước có mức thu nhập trung bình thấp không thay đổi, nhưng trên bảng xếp hạng chung toàn thế giới, Việt Nam bị tụt 7 bậc. Việc tụt hạng này phần nhiều do nhóm tác giả đã mở rộng phạm vi đánh giá từ 93 nước (năm 2014) thành 109 nước (năm 2015). Bảy nước mới tham gia vào khảo sát năm nay gồm: Malta, Cyprus, Bosnia, Montenegro, Serbia, Georgia và Barbados.
Xét về điểm số, thậm chí kết quả GTCI của Việt Nam còn tăng 4% từ 36,45 lên 37,73. Nhưng kết quả tăng này không ấn tượng bằng nước hàng xóm Malaysia trong khu vực (điểm GTCI tăng 8%) hay Phillipines (điểm GTCI tăng 6%). Tại Khu vực Đông Nam Á, Singapore tiếp tục dẫn đầu, đồng thời ổn định ở vị trí thứ hai thế giới với 71,46 điểm GTCI.
Để có kết quả GCTI cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp từ 61 chỉ số thành phần. Trong đó, một số chỉ số do nhóm trực tiếp thực hiện thu thập dữ liệu. Số còn lại, nhóm lấy từ những nghiên cứu trước đó của các tổ chức uy tín như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), World Bank, UNESCO, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) …. 61 chỉ số thành phần lại được ghép thành 6 nhóm chỉ số chính bao gồm: 4 chỉ số đầu vào (Input): Điều kiện (enbale), Thu hút (attract), Phát triển (grow), Duy trì (retain) và 2 chỉ số đầu ra (output): Lao động và Kỹ năng nghề (labour and vocational skills) và kỹ năng tri thức toàn cầu (Global Knowledge Skills). Điểm GTCI cuối cùng là điểm trung bình của 6 nhóm chỉ số này.
GTCI là báo cáo thường niên được các nhà nghiên cứu đến từ Viện Quản trị Kinh doanh Châu Âu (Institut européen d’administration des affaires – INSEAD), Viện Lãnh đạo Vốn nhân lực (Human Capital Leadership Institute, Thụy Sỹ) và Tập đoàn Adecco (tập đoàn Thụy Sỹ chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nguồn nhân lực) phối hợp thực hiện, bắt đầu triển khai từ năm 2013
Kết quả chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu 2015 có thể nói không gây bất ngờ với giới chuyên môn. Các nước đứng đầu bảng xếp hạng là Thụy Sỹ, Singapore, Luxembourg, Hoa Kỳ, Đan Mạch đều thuộc nhóm có mức GDP đầu người cao nhất thế giới.
Ở chiều ngược lại, những nước xếp cuối bảng xếp hạng như Mali, Tazania, Ethiopia, Burkina Faso hay Madagascar đều thuộc nhóm có mức GDP đầu người thấp nhất thế giới. Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ như Algeria, Kuwait, Qatar có vẻ điểm GTCI không tương quan với GDP đầu người.
Việt Nam đứng thứ 82 thế giới với GTCI 37,73 điểm, nhỉnh hơn mức trung bình của các nước có mức thu nhập trung bình thấp (lower middle income countries) một chút.
Xét từng điểm thành phần, Việt Nam đạt 53,03 điểm Điều kiện (enable), xếp thứ 63 thế giới; 43,50 điểm Thu hút (Attract), xếp thứ 82 thế giới; 34,73 điểm Phát triển (Grow), xếp thứ 87 thế giới; 37,45 điểm Duy trì (retain), xếp thứ 89 thế giới; 26,79 điểm Lao động và Kỹ năng ghề (Labour and Vocational Skills), xếp thứ 89 thế giới; 30,87 điểm Kỹ năng tri thức toàn cầu (Global Knowledge Skills), đứng thứ 52 thế giới.
Câu hỏi đặt ra, chúng ta có thể ứng xử và sử dụng kết quả GTCI như thế nào?
Thứ nhất, mặc dù vẫn còn một số nhược điểm, nhưng có thể nói báo cáo GTCI là tài liệu vô cùng hữu ích. Đúng như lời dẫn nhập của nhóm tác giả báo cáo: Toàn cầu hóa đang ngày càng sâu, sự di động của tài năng ngày càng trở thành yếu tố quan trọng tới sự năng động, sáng tạo và cạnh tranh (của tổ chức/ của quốc gia).
Trong bối cảnh đó, báo cáo xếp hạng GTCI ra đời như một “phong vũ biểu” đo đếm kịp thời, chi tiết và đa diện; đồng thời cho phép đối sánh từ năng lực (4 chỉ số đầu vào input) cho đến kết quả (2 chỉ số đầu ra output) cạnh tranh tài năng của Việt Nam so với 108 nước trên thế giới.
Các nhà quản lý, hoạch định chính sách từ vĩ mô đến cơ sở ở nước ta nên sử dụng báo cáo làm dữ liệu đầu vào cho việc ra quyết định, cũng như hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Thứ hai, báo cáo cũng có vẻ như bắt khá “đúng bệnh” của Việt Nam. Ví dụ, trong các điểm thành phần, điểm có thứ hạng cao nhất là Kỹ năng tri thức toàn cầu (cao hơn mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp) và điểm thấp nhất là Lao động và Kỹ năng nghề (thấp hơn hẳn mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp).
Từ lâu, chúng ta luôn có cảm nhận chung là Việt Nam bị thiếu trầm trọng lực lượng lao động có kỹ năng nghề thành thạo và ở chiều ngược lại, ở một vài khía cạnh, Việt Nam cũng đạt được thành tựu nhất định so với thế giới.
Vì vậy, chúng ta cần có kế hoạch ngay lập tức nhằm cải thiện các chỉ số có kết quả quá thấp, đồng thời lựa chọn trong những chỉ số có kết quả cao để đầu tư trọng điểm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh bền vững của Việt Nam so với các nước; nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á hoặc các nước trong cùng nhóm thu nhập trung bình thấp.
Một số hạn chế của báo cáo GTCI 2015
Cũng như mọi nghiên cứu khác, báo cáo GTCI 2015 có một số hạn chế nhất định.
Thứ nhất, khá nhiều chỉ số con thuộc các chỉ số thành phần đã không được nhóm nghiên cứu truy cập đầy đủ. Ví dụ với riêng Việt Nam, báo cáo GTCI 2015 không có kết quả của chỉ số Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (chỉ số con thuộc chỉ số Điều kiện) hoặc chỉ số tỷ lệ người ở độ tuổi tương ứng theo học trường cao đẳng/trung cấp nghề. Mặc dù về nguyên tắc, các chỉ số này đều có thể truy cập được và có số liệu.
Thứ hai, báo cáo GTCI, trong nhiều trường hợp, hơi lạm dụng phương pháp thu thập dữ liệu bằng bảng hỏi. Ví dụ chỉ số chất lượng các trường đào tạo về quản lý (chỉ số con thuộc chỉ số Phát triển) sử dụng phương pháp bảng hỏi.
Trong nghiên cứu khoa học xã hội, việc sử dụng phương pháp bảng hỏi thường chỉ nên sử dụng trong một số trường hợp nhất định hoặc khi không thể tìm được phương pháp thay thế khác.