Do nhu cầu ngày càng phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và mỗi doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng. Vì vậy, mỗi năm sẽ có những chính sách thuế mới về thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng để phù hợp với sự phát triển của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế Việt Nam. Những chính sách thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng mới nhất năm 2015. Chìa Khóa Thành Công nêu ra những điểm mới về thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng năm 2015 đáng chú ý.
I. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG NĂM 2015 ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KINH DOANH.
1. Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
1.1 Về việc xác định đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán
Từ năm 2015 cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trừ cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế theo từng lần phát sinh, cá nhân cho thuê tài sản, cá nhân làm đại lý bán đúng giá, không phân biệt có thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ hay không.
1.2. Về việc xác định doanh thu tính thuế có sử dụng hóa đơn đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
Từ ngày 01/01/2016, trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ vào doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn, không phân biệt hóa đơn sử dụng theo quyền hay hóa đơn sử dụng lẻ theo từng số.
1.3. Về việc cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp không xác định riêng được từng lĩnh vực, ngành nghề thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề.
1.4. Về việc điều chỉnh doanh số khoán
Cá nhân nộp thuế khoán trong năm có thay đổi về hoạt động kinh doanh (ngành nghề, quy mô, địa điểm, …) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung để cơ quan thuế có cơ sở xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán và các thông tin khác về cá nhân kinh doanh cho thời gian còn lại của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh không thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế chỉ xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán. Trường hợp có thay đổi ngành nghề kinh doanh thì thực hiện điều chỉnh bổ sung theo thực tế của ngành nghề kinh doanh thay đổi.
2. Đối với cá nhân cho thuê tài sản
2.1. Về việc xác định đối tượng khai thuế
– Cá nhân cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế, hoặc
– Bên thuê tài sản khai và nộp thuế thay nếu trong hợp đồng có thỏa thuận bên thuê là người nộp thuế.
2.2. Về việc xác định kỳ khai thuế
– Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng, hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý.
– Cá nhân cho thuê tài sản được lựa chọn khai thuế theo từng kỳ thanh toán hoặc khai thuế một lần theo năm, không phải quyết toán thuế đối với doanh thu cho thuê tài sản.
2.3. Về hồ sơ khai thuế
Theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì:
Cá nhân cho thuê tài sản chỉ phải nộp kèm theo tờ khai bản chụp hợp đồng thuê tài sản một lần duy nhất nếu là lần khai thuế đầu tiên của hợp đồng.
3. Đối với cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
3.1. Về việc khấu trừ thuế, khai thuế tại Công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp
– Công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả tiền hoa hồng cho cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân nếu doanh nghiệp xác định số tiền hoa hồng trả cho cá nhân tại đơn vị trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng. Trường hợp trong năm cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh từ nhiều nơi và cá nhân dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì có thể ủy quyền theo quy định của pháp luật để doanh nghiệp khấu trừ thuế đối với số tiền hoa hồng nhận được tại đơn vị từ 100 triệu/năm trở xuống.
– Doanh nghiệp thực hiện khai thuế theo tháng hoặc quý và không phải khai quyết toán thuế đối với nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của các cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
3.2. Về việc khai thuế năm
Cá nhân ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp nếu phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm trong trường hợp Công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa khấu trừ thuế do chưa đến mức phải nộp thuế hoặc trường hợp trong năm cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh từ nhiều nơi và cá nhân dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm những cá nhân không ủy quyền cho Công ty XSKT, DNBH, DN BHĐC khấu trừ và nộp thay thì cuối năm cá nhân có trách nhiệm khai thuế một lần vào Tờ khai thuế năm.
4. Đối với xác định ngưỡng doanh thu không chịu thuế
– Cá nhân kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN nếu có doanh thu kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
– Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm, hộ gia đình, cá nhân đồng sở hữu tài sản cho thuê thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải thuế TNCN được xác định cho một người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
5. Đối với cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức
– Cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, không xác định được doanh thu kinh doanh thì cá nhân ủy quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay theo phương pháp khoán. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân theo phương pháp khoán tại cơ quan thuế quản lý tổ chức.
– Cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, xác định được doanh thu kinh doanh của cá nhân thì cá nhân ủy quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân theo từng lần phát sinh tại cơ quan thuế quản lý tổ chức.
II. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VỀ QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG NĂM 2015 ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KINH DOANH
1. Về công khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
Hàng năm, Chi cục Thuế có trách nhiệm niêm yết để lấy ý kiến công khai về doanh thu và mức thuế phải nộp của hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Việc công khai phải thực hiện 2 lần: lần 1 là mức dự kiến và lần 2 là mức chính thức.
– Đối với mức thuế khoán đang thực hiện của năm 2015, chậm nhất là ngày 30/08/2015 Chi cục Thuế thực hiện: niêm yết công khai Danh sách hộ kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, Danh sách hộ khoán và mức thuế phải nộp tại bộ phận một cửa của Chi cục Thuế và Ủy ban nhân dân quận, huyện và tại cửa, cổng hoặc địa điểm thích hợp của: trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, trụ sở Đội thuế, Ban quản lý chợ;… ; gửi tài liệu niêm yết công khai như nêu trên đến Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn; đồng thời gửi Bảng công khai theo mẫu số 01/CKTT-CNKD ban hành kèm theo Thông tư này tới từng cá nhân kinh doanh. Bảng công khai theo mẫu số 01/CKTT-CNKD được lập theo hướng dẫn tại tiết a.1 điểm a khoản 9 Điều 6 Thông tư này.
– Từ năm 2016, theo hướng dẫn tại khoản 5, khoản 9, khoản 10 Điều 6 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì ngoài việc niêm yết công khai tại cơ quan thuế, UBND, Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, Chi cục Thuế còn phải thực hiện gửi tài liệu niêm yết công khai như sau:
+ Chi cục Thuế gửi tài liệu niêm yết công khai lần 1 và lần 2 đến Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn, đồng thời Chi cục Thuế tổ chức tiếp nhận ý kiến phản hồi (nếu có) để làm ăn cứ điều chỉnh, bổ sung mức doanh thu khoán và mức thuế khoán của hộ kinh doanh trên địa bàn.
+ Chi cục Thuế gửi Bảng công khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán lần 1 và lần 2 cho từng cá nhân kinh doanh, đồng thời Chi cục Thuế tổ chức tiếp nhận ý kiến phản hồi của cá nhân kinh doanh (nếu có) để làm ăn cứ điều chỉnh, bổ sung mức doanh thu khoán và mức thuế khoán của hộ kinh doanh trên địa bàn.
Bảng công khai gửi cho cá nhân được lập theo địa bàn bao gồm cả cá nhân thuộc diện phải nộp thuế và cá nhân thuộc diện không phải nộp thuế. Với chợ, đường, phố, tổ dân phố có từ hai trăm (200) cá nhân kinh doanh trở xuống thì Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh bảng công khai của các cá nhân kinh doanh tại địa bàn. Trường hợp, chợ đường, phố, tổ dân phố có trên 200 cá nhân kinh doanh thì Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh bảng công khai của không quá 200 cá nhân kinh doanh tại địa bàn. Riêng đối với chợ có trên 200 cá nhân kinh doanh thì Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh bảng công khai theo ngành hàng.
+ Chi cục Thuế thực hiện niêm yết công khai lần 2 trước ngày 30 tháng 01 hàng năm tại bộ phận một cửa của Chi cục Thuế và Ủy ban nhân dân quận, huyện; và tại cửa, cổng hoặc địa điểm thích hợp của: trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trụ sở Đội thuế; Ban quản lý chợ;… đảm bảo thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin để giám sát của người dân và cá nhân kinh doanh.
2. Về việc gửi thông báo thuế đến cá nhân kinh doanh
Thông báo thuế (dự kiến và chính thức) được gửi trực tiếp đến cá nhân kinh doanh, yêu cầu phải có ký nhận của người nộp thuế về việc đã nhận thông báo hoặc cơ quan thuế phải thực hiện việc gửi Thông báo qua bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm.
3. Về trách nhiệm của Cục thuế trong việc chỉ đạo, kiểm soát việc xác định doanh thu và mức thuế khoán của cá nhân kinh doanh tại các Chi cục thuế
– Cục Thuế có trách nhiệm triển khai công tác kiểm tra thực tế hằng năm tối thiểu 20% số Chi cục Thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc xác định mức doanh thu khoán dự kiến, mức thuế dự kiến. Kết quả kiểm tra của Cục Thuế là một trong những cơ sở để Chi cục Thuế lập và duyệt Sổ bộ thuế cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán.
– Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, Cục Thuế có trách nhiệm định kỳ kiểm tra thực tế tối thiểu 10% số Chi cục Thuế mỗi quý I, quý II, quý III. Kết quả kiểm tra là căn cứ xây dựng mức doanh thu dự kiến, mức thuế dự kiến cho năm sau và điều chỉnh doanh thu khoán, mức thuế khoán cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu doanh thu thay đổi 50% so với doanh thu khoán.
– Nội dung kiểm tra thực tế của Cục Thuế quy định tại khoản 8 Điều này gồm: kiểm tra trên cơ sở dữ liệu quản lý; đối chiếu số liệu đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; kiểm tra thực tế đối với ít nhất 15% số cá nhân kinh doanh trên địa bàn trong đó tập trung kiểm tra 100% cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quản lý rủi ro theo tiêu chí hướng dẫn tại điểm c khoản 12 Điều 6 Thông tư này.
4. Về một số nội dung khác trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
– Cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; trường hợp chưa thành lập doanh nghiệp, cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, đồng thời cơ quan thuế có trách nhiệm lập danh sách những cá nhân kinh doanh này báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh.
– Cơ quan Thuế có trách nhiệm cấp mã số thuế cho cá nhân kinh doanh dựa trên thông tin tại hồ sơ khai thuế của cá nhân và thực hiện quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh trên ứng dụng quản lý thuế tập trung của ngành thuế.
– Cục Thuế có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí rủi ro đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán theo từng đối tượng, địa bàn quản lý theo các tiêu chí rủi ro như:
+ Cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh tại chợ biên giới;
+ Cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản (cát, đá, sỏi, gỗ, sản phẩm từ gỗ,…);
+ Cá nhân kinh doanh có mức doanh thu tính thuế bất hợp lý so với chi phí (diện tích kinh doanh, thuê địa điểm, giá trị tài sản, trang thiết bị, cửa hàng, kho tàng, chi phí điện, chi phí nước,…); so với số phương tiện vận tải đang sử dụng; so với số lượng lao động; so với hàng hoá (hàng hoá mua vào, hàng hoá trưng bày, hàng hoá tồn kho,…);
+ Cá nhân nộp thuế khoán nhưng thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên nhưng không thành lập doanh nghiệp;
+ Cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế;
+ Cá nhân nộp thuế khoán có từ hai (02) địa điểm kinh doanh trở lên;
+ Cá nhân nộp thuế khoán nợ thuế.
– Chi cục Thuế có trách nhiệm cập nhật kịp thời các thông tin biến động trong quá trình quản lý đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán. Định kỳ đến ngày 01 tháng 11 hàng năm, các Chi cục Thuế, Cục Thuế phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu về cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán (bao gồm cả cá nhân kinh doanh chưa đến ngưỡng nộp thuế) trên cơ sở thông tin từ hồ sơ của người nộp thuế, kết quả số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế và thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
– Tổng cục Thuế hướng dẫn quy trình, trình tự, phương pháp xây dựng và quản lý sử dụng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế khoán theo quy định của Bộ Tài chính để phục vụ công tác quản lý rủi ro trong kiểm tra, thu thuế.
5. Về ủy nhiệm thu thuế đối với hộ kinh doanh
– Tại các địa bàn chưa thực hiện nộp thuế qua phương thức điện tử, Cơ quan quản lý thuế uỷ nhiệm cho các tổ chức thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán. Việc uỷ nhiệm thu thuế phải được thực hiện thông qua hợp đồng giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế với Tổ chức được uỷ nhiệm thu.
Tổ chức được uỷ nhiệm thu là các đơn vị như: Ban quản lý chợ; Trung tâm thương mại; hoặc các doanh nghiệp có hệ thống mạng lưới rộng khắp trên cả nước đáp ứng điều kiện thuận lợi cho cá nhân nộp thuế vào ngân sách nhà nước như: các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, điện lực,…
– Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế tổ chức thực hiện công tác uỷ nhiệm thu thuế thống nhất trong cả nước theo quy định hiện hành về uỷ nhiệm thu và quy định tại Điều này.
III. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KHÁC VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ TNCN
1. Đối với thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế
1.1. Về khoản thu nhập từ trợ cấp
Không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công khoản trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người Việt nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về VN làm việc.
1.2. Về khoản bảo hiểm không bắt buộc không có tích lũy về phí bảo hiểm
Hướng dẫn cụ thể trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc, không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc, không có tích lũy về phí bảo hiểm.
Chúc quý doanh nghiệp thành công với những điểm mới về thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng năm 2015 mà Chìa Khóa Thành Công đã chia sẻ để quý khách hàng tham khảo.