Công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp 2005 , theo đó công ty hợp danh là doanh nghiệp có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, gọi là thành viên hợp danh, ngoài ra còn có thành viên góp vốn. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý thành lập của mỗi loại hình doanh nghiệp đều có sự khác nhau nhất định, sau đây là thủ tục pháp lý thành lập công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp 2005.
Về điều kiện thành lập doanh nghiệp nói chung: Mọi cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ một số trường hợp được quy định tại khoản 2, Điều 13 Luật doanh nghiệp 2005 như sau:
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
e) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;
g) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
Và một số trường hợp không được góp vốn vào công ty hợp danh:
4. Tổ chức, cá nhân sau đây không được mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Để thành lập được công ty hợp danh trên thực tế, trước hết cần phải làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nộp tại Phòng ĐKKD cấp tỉnh nơi công ty đặt trụ sở. Sau khi nộp hồ sơ, phòng ĐKKD sẽ trao giấy biên nhận về việc nộp hồ sơ cho cá nhân đến nộp hồ sơ.
Trong thời hạn 10 ngày nếu hồ sơ hợp lệ, phòng ĐKKD sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho công ty.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh bao gồm các giấy tờ hợp lệ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu do Bộ kế hoạch và đầu tư quy định
– Dự thảo điều lệ công ty có đầy đủ chữ ký của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh
– Danh sách thành viên
Đối với thành viên là cá nhân thì phải có bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân theo quy định tại Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh
Đối với thành viên là tổ chức thì phải có bản sao quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều lệ hoặc giấy tờ tương đương khác
– Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty hợp danh về ngành nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có vốn pháp định.
– Chứng chỉ hành nghề của thành viên hợp danh các nhân khác đối với công ty hợp danh kinh doanh ngành nghề mà luật có quy định phải có chứng chỉ hành nghề.
Về lệ phí đăng ký kinh doanh sẽ được xác định theo số lượng ngành nghề đăng kí kinh doanh.
Khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nếu người thành lập doanh nghiệp ủy quyền cho người khác đến nộp thì phải xuất trình chứng minh thư nhân dân (hoặc hộ chiếu, giấy tờ chứng minh cá nhân khác) và văn bản ủy quyền của thành viên sáng lập.
Hiện nay Quốc Hội đã thông qua Luật doanh nghiệp năm 2014 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2015, theo đó thì thủ tục pháp lý thành lập công ty hợp danh có thêm một số điểm mới như sau:
– Khi thành lập doanh nghiệp, người đăng ký phải nộp phiếu lý lịch tư pháp khi cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ chỉ còn 4 nội dung so với 10 nội dung như theo Luật doanh nghiệp 2005. Bỏ ghi ngành nghề kinh doanh, bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề… Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh, tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, rẻ hơn và đa năng hơn.
– Đồng thời cũng quy định các nguyên tắc để xác định, đăng kí vốn thực của công ty, giải quyết tình trạng vốn ảo chỉ khai trên giấy tờ đang rất khó xác định hiện nay.
– Một điểm mới nữa đó là sau khi nộp hồ sơ hợp lệ trong vòng 3 ngày phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải duyệt hồ sơ và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp trong vòng 3 ngày. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vấn đề thủ tục hành chính thành lập công ty.
Xem thêm: