Những doanh nghiệp mới thành lập các thành viên có thể góp vốn bằng tài sản, hàng hóa, tiền mặt. Nếu thành viên đem góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản thì doanh nghiệp có được trích khấu hao không?
Thông tư 45/2013/TT-BTC tại Điều 9, Khoản 1 quy định về nguyên tắc trích khấu hao tài sản như sau:
“1. Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây:
– TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
– TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.
– TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).
– TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
– TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).”
Do đó tất cả các tài sản của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao đối với những tài sản có đầy đủ hồ sơ tài sản cố đinh, tài sản được theo dõi quản lý và thuộc sở hữu của doanh nghiệp và vẫn còn khấu hao theo quy định.
Thông tư 96/2015/TT-BTC tại Điều 4, Khoản 2, Điểm 2.2 sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC như sau:
“a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
b) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).
c) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định và hạch toán kế toán hiện hành.”
Như vậy: tài sản do các thành viên góp vốn vào doanh nghiệp thì chi phí khấu hao tài sản được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu có đầy đủ các điều kiện sau:
– Tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– Tài sản có đầy đủ chứng từ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp:
+ Biên bản góp vốn.
+ Biên bản đánh giá lại tài sản cố định.
+ Chuyển quyền sở hữu đối với những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu.
– Những tài sản này được theo dõi quản lý trên sổ sách của doanh nghiệp.
Lưu ý: Nếu tài sản cố định góp vốn là tài sản mới mua, chưa sử dụng, có hóa đơn hợp pháp được hội đồng giao nhận vốn góp chấp nhận thì trị giá vốn góp được xác định theo trị giá ghi trên hóa đơn bao gồm cả thuế GTGT; Bên nhận vốn góp được kê khai khấu trừ thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua tài sản của bên góp vốn.