Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp

Dịch vụ kế toán CKTC chia sẻ bài về sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, các quy định hiện hành và hướng xử lý về hoá đơn bất hợp pháp tại doanh nghiệp.

Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp

Thời gian qua, trong quá trình hoạt động tư vấn, hỗ trợ các Doanh nghiệp, Dịch vụ kế toán CKTC nhận thấy có rất nhiều các Doanh nghiệp vướng vào tình trạng sử dụng bất hợp pháp hóa đơn do giao dịch với các Doanh nghiệp bỏ trốn, Doanh nghiệp có hành vi mua bán hóa đơn….và các Doanh nghiệp này đều bị Cơ quan thuế xử lý theo hướng: Loại bỏ thuế gtgt, chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, xử phạt hành chính về thuế….dẫn tới thiệt hại lớn về thuế cho các Doanh nghiệp, ảnh hưởng tới vốn lưu động và hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp.

Nay, căn cứ theo các Quy định hiện hành về thuế và các hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế trong thời gian qua, CKTC đưa ra các hướng dẫn cụ thể, với mục đích giúp các Doanh nghiệp vô tình rơi vào tình trạng như trên có thể tham khảo, tăng thêm cơ hội bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

1. Các văn bản quy định hiện hành được áp dụng về sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.

– Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

– Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;

– Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;

– Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ;

– Nghị định 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

– Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn các quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

– Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt về hóa đơn;

– Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế;

– Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật và Nghị định về quản lý thuế;

– Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng;

– Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp;

– Chuẩn mực kế toán số 01 – Chuẩn mực chung, ban hành theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc phù hợp của kế toán “Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau”.

2. Quy định hiện hành về sử dụng hoá đơn bất hợp pháp

2.1. Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.

2.2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng hoá đơn bất hợp pháp:

– Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ;

– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế;

– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.

– Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

– Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

3. Căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tế, Cơ quan thuế xử lý đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể như sau:

3.1. Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan công an, cơ quan chức năng khác trong quá trình kiểm tra, xác minh, điều tra đã có kết luận hóa đơn do cơ sở kinh doanh sử dụng là bất hợp pháp thì:

a) Trường hợp hóa đơn mới phát sinh, chưa kê khai, hạch toán:

• Thuế GTGT: Không kê khai thuế GTGT đầu vào, hạch toán thuế GTGT vào chi phí không được trừ. Có thể bị xử phạt hành chính về thuế.

• Thuế TNDN: Hạch toán chi phí mua hàng hóa, dịch vụ vào chi phí không được trừ. Có thể bị xử phạt hành chính về thuế.

b) Trường hợp đã phát sinh, đã kê khai, hạch toán:

• Thuế GTGT: Điều chỉnh giảm trên tờ khai thuế, điều chỉnh hạch toán thuế gtgt trên sổ sang chi phí không được trừ. Trong trường hợp, việc điều chỉnh làm phát sinh thuế phải nộp hoặc Doanh nghiệp đã xin hoàn thuế, Doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế, phạt chậm nộp thuế, phạt hành chính.

• Thuế TNDN: Điều chỉnh chi phí đã hạch toán sang chi phí không được trừ. Trong trường hợp này, sẽ ảnh hưởng tới thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể bị truy thu và phạt chậm nộp thuế, phạt hành chính.

• Lưu ý: Trong một số trường hợp: Doanh nghiệp còn bị xử phạt về hành vi xuất khống hóa đơn đầu ra (do đầu vào không hợp pháp).

c) Trường hợp có thể cứu vãn khi vô tình gặp phải tình huống của trường hợp này.

– Doanh nghiệp có mua bán hàng hóa, dịch vụ thực sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Doanh nghiệp cần chuẩn bị các chứng từ, tài liệu sau để chứng minh với cơ quan thuế khi có yêu cầu kiểm tra:

+ Hợp đồng kinh tế;

+ Biên bản thanh lý hợp đồng (nếu có);

+ Phiếu nhập, xuất kho;

+ Chứng từ thanh toán tiền;

+ Sổ sách kế toán hạch toán theo đúng quy định của Chế độ kế toán;

+ Hàng hóa, dịch vụ mua vào đã được bán ra có kê khai, nộp thuế, hạch toán kế toán đầy đủ;

+ Cam kết của Doanh nghiệp về việc mua hàng hóa, dịch vụ là có thật và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

– Khi chứng minh được, Cơ quan thuế sẽ thực hiện ấn định chi phí mua hàng, chi phí mua dịch vụ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

– Khi xử lý ấn định chi phí, cơ quan thuế có thể tham khảo giá hàng hóa, dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước công bố cùng thời điểm, hoặc giá mua, giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng hoặc giá bán của doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng xác định chi phí mua hàng, chi phí mua dịch vụ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

3.2. Trường hợp Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của Doanh nghiệp bỏ trốn.

– Doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

– Thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế và cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác chưa đủ căn cứ để kết luận đó là bất hợp pháp hóa đơn.

Hướng xử lý:

– Doanh nghiệp chứng minh được các giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ là có thật (theo nội dung hướng dẫn ở trên) và có cam kết sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật thì hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đó được kê khai khấu trừ thuế gtgt và tính vào chi phí được trừ theo pháp luật thuế TNDN bình thường.

– Trường hợp cơ quan thuế xác minh làm rõ hóa đơn mà Doanh nghiệp sử dụng là bất hợp pháp hóa đơn thì sẽ bị xử lý như ở điểm 2.1.

3.3. Trường hợp qua kiểm tra, Cơ quan thuế có kết luận cơ sở kinh doanh có hành vi xuất hóa đơn khống.

– Hóa đơn bán ra không kèm hàng hóa, dịch vụ bán ra;

– Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và không kèm hàng hóa mua vào để hợp thức tính vào chi phí, kê khai khấu trừ thuế.

Hướng xử lý:

– Cơ quan thuế sẽ loại trừ doanh thu, chi phí và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành (hiện sẽ căn cứ theo Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2014 và Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014)

– Cơ quan thuế sẽ có văn bản gửi đến cơ quan thuế quản lý cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn khống và cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn khống của cơ sở bị xử phạt để thông báo hành vi xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn khống.

Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp

Mail: cktc.vn@gmail.com

Hotline – Viber – Zalo: 0888 139 339

About the Author

C K T C

Chìa Khóa Thành Công cung cấp dịch vụ báo cáo thuế, dịch vụ kế toán trọn gói, thành lập công ty trọn gói, dịch vụ quyết toán thuế, dịch vụ làm báo cáo tài chính, dịch vụ đăng ký bảo hiểm xã hội, dịch vụ thay đổi giấy phép kinh doanh và dịch vụ giải thể doanh nghiệp.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *