Điểm mới của chính sách này đối tượng vay vốn là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở SXKD) và người lao động, thay cho trước đây là cơ sở SXKD và hộ gia đình).
Về điều kiện vay vốn, đối với cơ sở SXKD phải được thành lập và hoạt động hợp pháp, có dự án vay vốn khả thi thu hút thêm lao động vào việc làm ổn định, có xác nhận của tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án và bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật. Đối với người lao động phải có đủ năng lực hành vi dân sự, cư trú hợp pháp tại địa phương thực hiện dự án và đặc biệt có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Mức cho vay với cơ sở SXKD cho 1 dự án vay tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Trước đây, cơ sở SXKD được vay tối đa là 500 triệu đồng/1 dự án và không quá 20 triệu đồng/1 lao động mới được thu hút. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng (trước đây là hộ gia đình mức vay tối đa là 20 triệu đồng).
Lãi suất cho vay theo chính sách này áp dụng như lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định (hiện nay mức lãi suất cho hộ nghèo vay là 6,6%/năm). Riêng các trường hợp như: người lao động là dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Người khuyết tật; Cơ sở SXKD sử dụng 30% là người dân tộc thiểu số trở lên hoặc có 30% là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số thì lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay vốn theo quy định này. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay tối đa không quá 60 tháng. Theo quy định trước đây, lãi suất cho vay là 7,8%/năm và chỉ có cơ sở SXKD dành cho người tàn tật mới được hưởng 50% lãi suất thời kỳ đó.
Ngoài ra, đối với mức vay trên 50 triệu đồng, Cơ sở SXKD phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật (quy định trước đây là các Dự án trên 30 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay).
Khoản cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) trả nợ gốc một lần khi đến hạn; cho vay trung hạn (trên 12 tháng) kỳ hạn trả nợ tối đa 6 tháng một lần do NHCSXH và người vay vốn thỏa thuận, kỳ hạn trả nợ đầu tiên tối đa 12 tháng được tính từ ngày người vay nhận món tiền đầu tiên.
Tính đến hết tháng 11/2015 dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt gần 6.321 tỷ đồng với trên 349 nghìn khách hàng đang vay. Một số địa phương có dư nợ đạt cao như: TP. Hà Nội hơn 1.371 tỷ đồng, TP. HCM 327 tỷ đồng, TP. Hải Phòng 129 tỷ đồng, tỉnh Sơn La 111 tỷ đồng, Nghệ An 113 tỷ đồng, Quảng Nam gần 102 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu 171 tỷ đồng… Nguồn vốn cho vay đã thu hút và tạo việc làm cho trên 3 triệu lao động. Nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,92%.