Ngày 17/06/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2016/TT-BTC hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa. Tổng cục Thuế giới thiệu các điểm mới trong công tác thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa quy định tại thông tư số 84/2016/TT-BTC như sau:
I – Về quy định chung
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1)
– Phạm vi điều chỉnh
Hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đối với các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước, tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thu khác do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật, không bao gồm các khoản thu nộp phát sinh tại khâu xuất khẩu, nhập khẩu.
– Đối tượng áp dụng: Người nộp thuế; cơ quan thuế; cơ quan kho bạc nhà nước; ngân hàng; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu nộp các khoản thuế và thu nội địa.
Trước:
Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách giữa Kho bạc nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại quy định:
– Phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bao gồm: Các khoản thu NSNN (thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác thuộc NSNN); tiền nộp phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
– Đối tượng áp dụng rộng hơn, bao gồm: Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, Hải quan; các ngân hàng thương mại và các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác thuộc NSNN.
2. Sửa đổi, bổ sung giải thích một số từ ngữ được sử dụng trong Thông tư (Điều 2)
– Hoàn thiện nội dung các cụm từ hay được sử dụng trong quá trình thực hiện thủ tục thu nộp NSNN và triển khai phối hợp thu NSNN giữa cơ quan thuế, kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại, bảo đảm cho các bên thống nhất cách hiểu và là căn cứ xác định trách nhiệm của từng bên, bao gồm các từ ngữ sau:
– Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế
– Cổng trao đổi thông tin của ngân hàng
– Cơ quan quản lý thu
– Danh mục dùng chung
– Dữ liệu về người nộp thuế
– Dữ liệu về khoản thuế
– Ngân hàng chưa phối hợp thu
– Ngân hàng phối hợp thu
– Ngân hàng ủy nhiệm thu
– Nộp thuế điện tử
– Thời điểm “cut off time”
Trước: Thông tư số 85/2013/TT-BTC, Thông tư số 32/2014/TT-BTC chưa có nội dung giải thích đối với các cụm từ: Cổng trao đổi thông tin của ngân hàng, Cơ quan quản lý thu, Dữ liệu về người nộp thuế, Dữ liệu về khoản thuế, Ngân hàng chưa phối hợp thu, Ngân hàng phối hợp thu, Ngân hàng ủy nhiệm thu, Nộp thuế điện tử.
3. Sửa đổi, bổ sung quy định về “ngày nộp thuế” (Điều 3)
Mặc dù quy định về ngày nộp thuế đã có tại nhiều văn bản pháp quy nhưng hiện nay vẫn xảy ra một số trường hợp ngày nộp thuế theo chứng từ của người nộp thuế sai khác với ngày nộp thuế được trao đổi trên hệ thống truyền nhận giữa ngân hàng với cơ quan kho bạc nhà nước, dẫn tới việc hạch toán tiền thuế và tính tiền chậm nộp của NNT bị sai lệch.
Nhằm hướng dẫn ngân hàng, cơ quan kho bạc nhà nước xác định, ghi nhận đúng ngày nộp thuế trong quá trình luân chuyển thông tin thu nộp NSNN, Thông tư đã quy định ngày nộp thuế được xác định theo từng trường hợp:
– Nộp thuế qua giao dịch điện tử
– Nộp thuế bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản
– Nộp thuế qua tổ chức ủy nhiệm thu
Đồng thời có quy định cụ thể cách ghi nhận ngày nộp thuế đối với trường hợp nộp thuế thay.
Trước: Thông tư 85/2011/TT-BTC, Thông tư 156/2013/TT-BTC chưa quy định việc xác định “ngày nộp thuế” đối với trường hợp nộp thuế qua tổ chức ủy nhiệm thu, trường hợp người khác nộp thuế thay cho NNT.
4. Quy định nguyên tắc trao đổi thông tin liên quan đến thu nộp NSNN (Điều 4)
Thông tư 84/2016/TT-BTC quy định nguyên tắc trao đổi thông tin thu nộp NSNN giữa các bên liên quan (cơ quan thuế, cơ quan kho bạc nhà nước, ngân hàng) được thực hiện bằng phương thức điện tử để đảm bảo thông tin được truyền nhận kịp thời, đầy đủ và chính xác. Cụ thể:
– Cơ quan thuế, cơ quan kho bạc nhà nước, ngân hàng phối hợp thu, ngân hàng uỷ nhiệm thu sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong việc trao đổi danh mục dùng chung, dữ liệu về người nộp thuế, dữ liệu về khoản thuế, số thuế đã thu nộp NSNN. Trường hợp có sự cố kỹ thuật không áp dụng được phương thức giao dịch điện tử, các bên tạm thời trao đổi thông tin liên quan đến thu nộp NSNN bằng phương thức phù hợp khác.
– Thông tin thu nộp NSNN ở dạng thông điệp điện tử được ký xác nhận bằng chữ ký điện tử.
Trước: Thông tư số 85/2011/TT-BTC, Thông tư số 32/2014/TT-BTC chưa có các quy định này. Việc truyền, nhận thông tin thu nộp NSNN chưa được điện tử hoá hoàn toàn, vẫn còn tình trạng xử lý thủ công làm giảm tính kịp thời trong việc truyền nhận, hoàn thiện thông tin thu nộp NSNN.
5. Quy định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện thu nộp NSNN (Điều 5)
– Bổ sung trách nhiệm của cơ quan thuế:
+ Cập nhật kịp thời các thông tin về Danh mục dùng chung, Dữ liệu về người nộp thuế, Dữ liệu về khoản thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
+ Phối hợp với ngân hàng để ký và thực hiện thoả thuận hợp tác phối hợp thu NSNN.
+ Xem xét đình chỉ hoặc chấm dứt việc tham gia phối hợp thu NSNN với ngân hàng nếu ngân hàng không đáp ứng thỏa thuận phối hợp thu NSNN hoặc có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý thuế.
– Bổ sung trách nhiệm của cơ quan kho bạc nhà nước
+ Cung cấp kịp thời cho Tổng cục Thuế danh mục ngân hàng uỷ nhiệm thu;
+ Cung cấp cho cơ quan quản lý thu về cơ quan kho bạc nhà nước tiếp nhận và hạch toán khoản thu NSNN đối với trường hợp cơ quan kho bạc nhà nước hạch toán khoản thu không đồng cấp với cơ quan quản lý thu.
+ Cấp chứng từ nộp thuế phục hồi hoặc bản sao chứng từ nộp thuế có chữ ký và dấu xác nhận của cơ quan kho bạc nhà nước theo đề nghị của người nộp thuế.
+ Cung cấp số thu nội địa không do cơ quan thuế quản lý trên địa bàn để cơ quan thuế đồng cấp tổng hợp số thu nội địa trên địa bàn cấp huyện/cấp tỉnh;
+ Thực hiện đối chiếu số thu nội địa với cơ quan thuế trước khi khóa sổ kế toán thu NSNN theo tháng và năm ngân sách.
– Bổ sung trách nhiệm của ngân hàng ủy nhiệm thu, ngân hàng phối hợp thu.
+ Cấp chứng từ nộp thuế phục hồi hoặc bản sao chứng từ nộp thuế theo đề nghị của người nộp thuế.
+ Trường hợp ngân hàng chuyển thiếu, chuyển chậm tiền thuế đã thu vào tài khoản của cơ quan kho bạc nhà nước thì ngân hàng phải chuyển đủ số thuế đã thu vào tài khoản của cơ quan kho bạc nhà nước, đồng thời chịu trách nhiệm trả tiền chậm nộp cho khoản tiền thuế bị chuyển thiếu, chuyển chậm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
+Bổ sung các thông tin thu thuế (mã cơ quan kho bạc nhà nước, mã cơ quan quản lý thu, mã tài khoản thu ngân sách, mã chương, mã tiểu mục) và chuyển tiền/ hạch toán số thuế đã thu vào tài khoản của cơ quan kho bạc nhà nước.
+ Ngân hàng phối hợp thu chuyển thông tin nộp thuế và tiền thuế đã thu sang ngân hàng uỷ nhiệm thu.
– Quy định trách nhiệm của ngân hàng chưa phối hợp thu trên cơ sở tuân thủ pháp luật về thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm việc thực hiện các giao dịch thanh toán nộp NSNN có đầy đủ thông tin và chuyển tiền kịp thời vào tài khoản thu của cơ quan kho bạc nhà nước.
Trước: Thông tư 128/2008/TT-BTC, Thông tư 85/2011/TT-BTC chưa quy định những nội dung nêu trên.
II. Về thủ tục thu nộp thuế
1. Hướng dẫn chi tiết cách lập chứng từ nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (Điều 6)
Nhằm hỗ trợ người nộp thuế lập giấy nộp tiền vào NSNN nhanh chóng, chính xác, an toàn và bảo mật thông tin trong toàn bộ quá trình thực hiện nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Thông tư số 84/2016/TT-BTC đã hướng dẫn chi tiết cách thức lập Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (mẫu số C1-02/NS ban hành kèm Thông tư số 84/2016/TT-BTC) theo trường hợp trực tiếp lập giấy nộp tiền hoặc lập giấy nộp tiền thay, kê khai theo 8 nhóm thông tin:
(1) Thông tin loại tiền nộp thuế
(2) Thông tin về người nộp thuế và người nộp thay
(3) Thông tin ngân hàng/ kho bạc nhà nước và tài khoản trích tiền nộp thuế.
(4) Thông tin nộp ngân sách nhà nước.
(5) Thông tin tài khoản kho bạc nhà nước.
(6) Thông tin nộp theo văn bản của cơ quan có thẩm quyền
(7) Thông tin về tên cơ quan quản lý thu
(8) Thông tin về khoản nộp ngân sách nhà nước
– Để hoàn thành lập giấy nộp tiền: Người nộp thực hiện ký điện tử và gửi giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước trên hệ thống nộp thuế điện tử.
Trước: Chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết lập chứng từ nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
2. Hướng dẫn thực hiện nộp thuế điện tử qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp (Điều 8)
– Lập chứng từ nộp thuế theo hình thức nộp thuế điện tử qua dịch vụ thanh toán điện tử do ngân hàng cung cấp (như ATM, internet banking, mobile banking, POS hoặc hình thức thanh toán điện tử khác) theo hướng dẫn tại quy trình sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử của từng hệ thống ngân hàng.
– Bổ sung quy định dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp phải đảm bảo các thông tin từ khoản 1 đến khoản 8, Điều 6 Thông tư số 84/2016/TT-BTC.
Trước: Thông tư số 85/2011/TT-BTC chưa quy định các thông tin bắt buộc trên chứng từ nộp tiền.
3. Hướng dẫn chi tiết lập chứng từ nộp thuế tại quầy giao dịch của ngân hàng phối hợp thu, ngân hàng ủy nhiệm thu, cơ quan kho bạc nhà nước (Điều 9)
a) Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chi tiết cách thức lập bảng kê nộp thuế (mẫu số 01/BKNT ban hành theo Thông tư số 84/2016/TT-BTC) trong trường hợp nộp thuế tại quầy giao dịch bằng tiền mặt, kê khai các thông tin như sau:
(1) Thông tin loại tiền nộp thuế: Ngoài việc lựa chọn ô “VND”, “USD” thì người nộp thuế có thể ghi thông tin loại ngoại tệ khác theo quy định của pháp luật.
(2) Thông tin về người nộp thuế và người nộp thay
(3) Thông tin ngân hàng/kho bạc nhà nước và tài khoản trích tiền nộp thuế.
(4) Thông tin nộp ngân sách nhà nước: Người nộp thuế chỉ chọn “TK thu NSNN” hoặc “TK thu hồi hoàn thuế GTGT”
(5) Thông tin tài khoản kho bạc nhà nước: Cho phép ghi thông tin tài khoản kho bạc nhà nước không đồng cấp với cơ quan quản lý thu.
(6) Thông tin nộp theo văn bản của cơ quan có thẩm quyền
(7) Thông tin về tên cơ quan quản lý thu: Cho phép ghi thông tin về cơ quan quản lý thu khác với cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.
(8) Thông tin về khoản nộp ngân sách nhà nước: Hướng dẫn bổ sung cách ghi các trường thông tin về “Số tờ khai/ số quyết định/ số thông báo”; “kỳ thuế/ ngày quyết định/ ngày thông báo”; “nội dung khoản nộp ngân sách nhà nước”
(9) Thông tin số tiền bằng số và bằng chữ
(10) Thông tin về người nộp tiền
b) Bổ sung hướng dẫn chi tiết cách thức lập bảng kê nộp thuế trong trường hợp nộp thuế tại quầy giao dịch của cơ quan kho bạc nhà nước bằng hình thức chuyển khoản, kê khai các thông tin như sau:
– Chứng từ sử dụng
+ Trường hợp trích tài khoản dự toán: Chứng từ sử dụng là giấy rút dự toán ngân sách (mẫu số C2-02/NS) đối với dự toán kinh phí thường xuyên, giấy rút vốn đầu tư (mẫu số C3-01/NS) đối với dự toán kinh phí đầu tư theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày 16/04/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
+ Trường hợp trích tài khoản tiền gửi, tài khoản có tính chất tiền gửi: Chứng từ sử dụng là Ủy nhiệm chi (mẫu số C4-02/KB ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày 16/04/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
– Phương pháp ghi chép, trách nhiệm luân chuyển chứng từ: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BTC.
Trước: Thông tư 85/2011/TT-BTC chưa hướng dẫn chi tiết cách chứng từ nộp tiền theo 2 trường hợp nộp thuế tại quầy giao dịch nêu trên.
4. Sửa đổi quy trình thu nộp tại quầy giao dịch của ngân hàng phối hợp thu, ngân hàng ủy nhiệm thu, cơ quan kho bạc nhà nước (Điều 10).
Nhằm giảm bớt công việc kê khai, lập bảng kê nộp thuế, Thông tư quy định người nộp thuế được sử dụng thông báo, quyết định của cơ quan thuế để thay thế bảng kê nộp thuế.
Thông tư hướng dẫn chi tiết quy trình thu nộp tại quầy giao dịch của ngân hàng ủy nhiệm thu, ngân hàng phối hợp thu, cơ quan kho bạc nhà nước từ khâu kiểm soát thông tin, điều chỉnh sai sót thông tin đến khâu trích tiền từ tài khoản hoặc thu tiền mặt, hoàn tất chứng từ nộp thuế và cấp cho người nộp thuế 1 liên giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (mẫu C1-02/NS ban hành kèm theo Thông tư 84/2016/TT-BTC).
Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước cấp cho người nộp thuế phải có đầy đủ thông tin người nộp thuế đã kê khai trên bảng kê nộp thuế hoặc thông tin trên quyết định/ thông báo của cơ quan thuế; thông tin ngày nộp thuế; chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt chứng từ nộp thuế.
Trước: Thực hiện theo công văn 16339/BTC-TCT ngày 10/11/2014 hướng dẫn thu nộp ngân sách nhà nước theo Thông tư 119/2014/TT-BTC và Thông tư 126/2014/TT-BTC: Tách riêng quy trình thu nộp theo ngân hàng phối hợp thu, ngân hàng ủy nhiệm thu, cơ quan kho bạc nhà nước. Đồng thời chưa quy định và hướng dẫn trường hợp người nộp thuế dùng thông báo, quyết định của cơ quan thuế để thay cho việc lập bảng kê nộp thuế.
5. Bổ sung quy trình thu nộp thuế tại quầy giao dịch của ngân hàng chưa phối hợp thu (Điều 11).
Thông tư quy định quy trình thu nộp thuế tại quầy giao dịch của ngân hàng chưa phối hợp thu theo hướng nguyên tắc, bảo đảm chứng từ thu có đầy đủ các thông tin chính: tên và mã số thuế người nộp thuế, tên cơ quan kho bạc nhà nước nơi nhận khoản thu ngân sách và tài khoản thu ngân sách nhà nước mở tại ngân hàng ủy nhiệm thu, chi tiết nội dung khoản nộp NSNN.
– Quy định việc cấp 1 liên chứng từ giao dịch gửi trả người nộp thuế trong trường hợp giao dịch nộp thuế thành công, thông tin trên chứng từ gửi trả có đầy đủ thông tin mà người nộp thuế đã kê khai, thông tin về ngày nộp thuế và có chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt chứng từ giao dịch.
Trước: Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định nội dung này.
6. Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý thông tin thu nộp và chuyển tiền thuế vào tài khoản thu ngân sách tại ngân hàng (Điều 12, Điều 13 và Điều 14).
– Quy định thông tin của chứng từ thu phải bảo đảm đầy đủ trong quá trình truyền nhận từ ngân hàng thực hiện giao dịch nộp thuế sang ngân hàng uỷ nhiệm thu, kho bạc nhà nước và cơ quan thuế, bao gồm: Tên, mã số thuế, địa chỉ người nộp thuế; Tài khoản thu NSNN hoặc Tài khoản thu hồi hoàn thuế GTGT; Tên KBNN nơi nhận khoản thu NSNN; Tên cơ quan quản lý thu; Thông tin liên quan đến khoản nộp NSNN; Số tiền chi tiết theo từng khoản nộp; Ngày nộp thuế.
– Quy định về hoàn thiện thông tin trên chứng từ nộp tiền về mã chương, mã tiểu mục, mã tài khoản thu NSNN:
+ Ngân hàng phối hợp thu, ngân hàng ủy nhiệm thu có trách nhiệm hoàn thiện thông tin đối với các giao dịch nộp thuế do ngân hàng trực tiếp thực hiện.
+ Ngân hàng uỷ nhiệm thu hoàn thiện thông tin đối với các giao dịch nộp thuế do ngân hàng chưa phối hợp thu chuyển sang.
+ Ngân hàng chưa phối hợp thu không phải thực hiện hoàn thiện thông tin về mã chương, mã tiểu mục, mã tài khoản thu NSNN nhưng có trách nhiệm chuyển đầy đủ thông tin của khoản thu nộp sang ngân hàng uỷ nhiệm thu, để ngân hàng ủy nhiệm thu có căn cứ hoàn thiện thông tin của khoản nộp NSNN.
Quy định về truyền thông tin nộp thuế:
+ Ngân hàng chưa phối hợp thu và ngân hàng phối hợp thu truyền thông tin nộp thuế sang ngân hàng ủy nhiệm thu.
+ Ngân hàng ủy nhiệm thu truyền thông tin nộp thuế sang kho bạc nhà nước.
+ Thời gian truyền thông tin nộp thuế: Ngay trong ngày làm việc đối với các giao dịch nộp thuế trong giờ làm việc; Chậm nhất là 9 giờ sáng ngày làm việc tiếp theo đối với các giao dịch nộp thuế thực hiện sau giờ làm việc hoặc trong ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
– Quy định về đối chiếu hạch toán số liệu khớp đúng trong ngày làm việc cuối năm.
+ Ngân hàng chưa phối hợp thu/ ngân hàng phối hợp thu đối chiếu hạch toán số liệu khớp đúng với ngân hàng ủy nhiệm thu.
+ Ngân hàng ủy nhiệm thu đối chiếu hạch toán số liệu khớp đúng với cơ quan kho bạc nhà nước.
Trước: Thông tư 85/2011/TT-BTC quy định mang tính nguyên tắc về trao đổi thông tin thu nộp NSNN, chưa có các quy định cụ thể đối với giao dịch nộp thuế tại từng nhóm ngân hàng nêu trên.
7. Sửa đổi, bổ sung xử lý thông tin thu nộp NSNN tại cơ quan kho bạc nhà nước (Điều 15)
– Cơ quan kho bạc nhà nước có trách nhiệm hoàn thiện thông tin thu nộp NSNN đối với các giao dịch nộp NSNN thực hiện trực tiếp với kho bạc nhà nước.
– Đối với thông tin và số tiền do ngân hàng ủy nhiệm thu truyền sang, cơ quan kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm soát tính đầy đủ, khớp đúng của thông tin thu nộp NSNN; Trường hợp không khớp đúng, cơ quan kho bạc nhà nước thực hiện tra soát với ngân hàng uỷ nhiệm thu để bổ sung, điều chỉnh thông tin cho phù hợp.
– Cơ quan kho bạc nhà nước tập hợp thông tin thu nộp NSNN để truyền sang cơ quan thuế bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước (mẫu số 04/BK-CTNNS) bằng phương thức điện tử chậm nhất là 10 giờ sáng ngày làm việc tiếp theo.
– Nội dung từng khoản nộp ngân sách nhà nước truyền sang cơ quan thuế phải bảo đảm đầy đủ các thông tin để phục vụ cho việc hạch toán, trừ nợ chính xác cho người nộp thuế, cụ thể như sau:
(1) Tên, mã số thuế, địa chỉ của người nộp thuế.
(2) Tài khoản thu ngân sách nhà nước hoặc Tài khoản thu hồi hoàn thuế GTGT.
(3) Cặp tài khoản kế toán ngân sách nhà nước hạch toán Nợ/ Có đối với khoản thu.
(4) Số và ngày quyết định, số và ngày thông báo, tên cơ quan có thẩm quyền ra quyết định, thông báo đối với khoản nộp.
(5) Kỳ thuế; tên loại thuế, tên khoản nộp; địa chỉ căn nhà, lô đất (nếu có); loại phương tiện, nhãn hiệu, số loại, màu sơn, số khung, số máy của máy bay, tàu thuyền, ôtô, xe máy (nếu có); mã chương, mã tiểu mục của từng loại thuế, khoản nộp.
(6) Số tiền, loại tiền VND hoặc ngoại tệ (nguyên tệ và tỷ giá).
(7) Ngày nộp thuế.
Trước: Thông tư 85/2011/TT-BTC và Thông tư 32/2014/TT-BTC chỉ quy định nguyên tắc xử lý thông tin thu nộp NSNN tại cơ quan kho bạc nhà nước mà chưa hướng dẫn xử lý hoàn thiện thông tin thu nộp theo từng trường hợp cụ thể nêu trên.
8. Sửa đổi, bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý thông tin thu nộp tại cơ quan thuế (Điều 16)
– Quy định việc tiếp nhận, kiểm tra chữ ký điện tử và thông tin chi tiết trên bảng kê nộp thuế để chuyển vào hệ thống quản lý thuế, hạch toán số thu ngân sách và số đã nộp của người nộp thuế.
– Bổ sung quy định thông báo số thuế đã nộp trong tháng: Định kỳ ngày 15 hàng tháng hoặc ngày làm việc tiếp theo nếu ngày 15 là ngày nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan thuế thông báo các khoản nộp ngân sách trong tháng trước đã được ghi nhận trong hệ thống quản lý thuế cho người nộp thuế qua tài khoản giao dịch thuế điện tử do Tổng cục Thuế cấp cho người nộp thuế.
Trước: Thông tư 128/2008/TT-BTC, Thông tư 85/2008/TT-BTC và Thông tư 32/2014/TT-BTC chưa có các quy định này.
9. Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý sai sót, tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp thuế (Điều 17).
– Thông tư quy định nguyên tắc xử lý sai sót; hướng dẫn thực hiện tra soát và điều chỉnh thông tin hạch toán thu ngân sách.
– Quy định về mẫu chứng từ sử dụng trong tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp NSNN:
+ Sử dụng mẫu C1-07/NS trong trường hợp cơ quan thuế thực hiện tra soát với cơ quan KBNN các khoản nộp NSNN đã được hạch toán thu NSNN.
+ Sử dụng mẫu C1-07/NS trong trường hợp người nộp thuế, tổ chức khác thực hiện tra soát, đề nghị điều chỉnh thông tin thu nộp với cơ quan thuế, kho bạc nhà nước.
– Quy định về thời gian trả lời tra soát: Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế có trách nhiệm giải quyết nội dung tra soát trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được đề nghị tra soát hoặc điều chỉnh.
Trước: Thông tư 128/2008/TT-BTC, Thông tư 85/2011/TT-BTC chưa hướng dẫn về nguyên tắc, mẫu biểu, cách thức thực hiện tra soát.
10. Sửa đổi, bổ sung quy định về cấp chứng từ nộp thuế phục hồi, xác nhận số thuế đã nộp (Điều 18).
– Về cấp chứng từ nộp thuế phục hồi:
Ngân hàng, cơ quan kho bạc nhà nước đã thực hiện giao dịch nộp thuế (trực tiếp hoặc bằng phương thức điện tử), có trách nhiệm cấp chứng từ nộp thuế phục hồi theo mẫu C1-02/PH theo đề nghị của người nộp thuế.
Chứng từ nộp thuế phục hồi có giá trị pháp lý như chứng từ gốc. Đối với chứng từ nộp thuế phục hồi phải có đầy đủ các thông tin như chứng từ gốc và có ngày cấp chứng từ phục hồi, chữ ký, tên cán bộ đại diện, đóng dấu của ngân hàng/ cơ quan kho bạc nhà nước nơi cấp chứng từ nộp thuế phục hồi theo quy định.
– Về xác nhận số thuế đã nộp NSNN: Cơ quan thuế có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp NSNN theo mẫu C1-10/NS cho người nộp thuế trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người nộp thuế.
Trước: Thông tư 128/2008/TT-BTC, Thông tư 156/2013/TT-BTC chưa quy định về mẫu chứng từ phục hồi và mẫu văn bản xác nhận số thuế đã nộp NSNN, đồng thời chưa quy định về thời hạn giải quyết kèm theo.
III. Tổ chức thực hiện
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 2/8/2016 (sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành Thông tư là ngày 1/6/2016).