NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP HỘ KINH DOANH
Hộ kinh doanh cá thể (hay còn gọi là hộ kinh doanh) là loại hình doanh nghiệp có phạm vi kinh doanh nhỏ hẹp nhưng khá phổ biến ở Việt Nam. Theo pháp luật kinh doanh, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân và con dấu, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình bằng toàn bộ tài sản.
Văn bản pháp luật quy định: NGHỊ ĐỊNH 78/2015/NĐ-CP
Cá nhân, hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh cần lưu ý những điều sau:
1. Về số lượng: mỗi cá nhân/hộ gia đình chỉ đăng ký MỘT hộ kinh doanh trên cả nước.
2. Vấn đề kiêm nhiệm: người thành lập/góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân hay là thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
3. Hồ sơ đăng ký lập hộ kinh doanh gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh;
– Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình, tùy vào người đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
(Trường hợp nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh: cần thêm bản sao hợp lệ biên bản họp giữa các cá nhân)
4. Địa điểm nộp hồ sơ: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Thời gian xét hồ sơ: 3 ngày. Nếu hồ sơ hợp lệ, hộ kinh doanh sẽ có Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
6. Tên hộ kinh doanh: “Hộ kinh doanh” + (tên riêng)
Yêu cầu:
– Viết bằng chữ cái tiếng Việt;
– Không vi phạm thuần phong mỹ tục;
– Không trùng với tên hộ kinh doanh đã đăng ký (phạm vi Huyện).
Mẫu văn bản đăng ký hộ kinh doanh có tại Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT