Ngành Thuế và Hải quan “thoát” cắt giảm biên chế

Sáng ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giữ nguyên biên chế của ngành thuế và hải quan đến thời điểm tháng 3/2015.

Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Tờ trình về việc ban hành Cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 – 2020.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, sự cần thiết tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế với ngành thuế và hải quan xuất phát từ yêu cầu đổi mới trong cải cách hành chính và quản lý tài chính, chủ trương mở rộng cơ chế khoán trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân đã được Quốc hội khóa XI quy định tại Điều 26 Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí Giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính cho các cơ quan, tổ chức hoạt động bằng kinh phí ngân sách nhà nước khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật….”.

Theo ông Dũng, việc Nhà nước cho phép tiếp tục áp dụng Cơ chế quản lý tài chính và biên chế trong thời gian tới là điều kiện cơ bản, quan trọng để Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách, hiện đại hóa, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ thu NSNN được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao hàng năm và thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Thuế, Hải quan đến năm 2020.

“Nhiệm vụ thu NSNN trong thời gian tới rất nặng nề, với những khó khăn, thách thức không lường trước được. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế, Hải quan phải tiếp tục đầu tư nguồn lực củng cố, tăng cường hơn nữa các chức năng quản lý thuế theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đảm bảo bao quát hết các nguồn thu, chống thất thu và huy động kịp thời mọi nguồn thu vào NSNN”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, số biên chế giao cho ngành Thuế, Hải quan được xác định trong phạm vi tổng số biên chế được giao cho Bộ Tài chính, cụ thể: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục duy trì biên chế từ năm 2016 trở đi theo chỉ tiêu biên chế được cấp thẩm quyền giao đến tháng 3 năm 2015; đồng thời căn cứ điều kiện thực tế để thực hiện sắp xếp, sử dụng biên chế hợp lý theo chủ trương tinh giản biên chế tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Theo ông Dũng, trong trường hợp đặc biệt, khi Chính phủ giao thêm nhiệm vụ mới hoặc Nhà nước có quy định chia tách địa giới hành chính phải thành lập bổ sung các Cục, Chi cục Thuế, Hải quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý.

“Để đảm bảo nguồn kinh phí đáp ứng nhiệm vụ thu NSNN và các mục tiêu cụ thể của ngành Thuế, ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 nêu trên; theo tính toán, tổng nhu cầu nhu cầu kinh phí giai đoạn 2016-2020 của ngành Thuế và Hải quan bình quân là 23.773 tỷ đồng/năm (đối với ngành Thuế là 16.595 tỷ đồng/năm, đối với ngành Hải quan là 7.178 tỷ đồng/năm)”, ông Dũng cho biết.

Trước đề xuất của ngành tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011-2015 và cho rằng, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã góp phần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý và chủ động trong sử dụng nguồn kinh phí.

Tập trung nguồn lực để thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; góp phần hoàn thành vượt dự toán được Quốc hội giao; công tác quản lý thuế ngày càng đi vào chiều sâu, tính chuyên môn hóa cao đã góp phần giảm chi phí cho công tác quản lý hành thu, tiết kiệm cho NSNN.

Thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao thu nhập cho cán bộ ngành thuế, hải quan. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hóa ngành thuế, hải quan, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian tuân thủ về thuế; rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.

Về tỷ lệ phân bổ ngân sách: Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, kinh phí phân bổ theo tỷ lệ 1,9% trên dự toán thu NSNN hàng năm đối với cả hai ngành đều không đạt theo mức quy định của Ủy ban thường vụ Quốc Hội ( Tổng cục thuế chỉ đạt 1,68%, Tổng cục Hải quan chỉ đạt 1,72%).

Tuy nhiên, việc trích và sử dụng kinh phí không đạt tỷ lệ theo quy định nhưng hai ngành vẫn hoàn thành vượt dự toán giao hàng năm, số biên chế giảm là tích cực và tiết kiệm, hiệu quả hơn; giá thành chi phí cho công tác quản lý thu thấp là tích cực.

Về đội ngũ cán bộ, công chức: Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, số lượng cán bộ, công chức, viên chức thực tế sử dụng thấp hơn so với số biên chế được giao nhưng toàn ngành vẫn hoàn thành nhiệm vụ là tích cực.

Tuy nhiên, qua giám sát thực tế cho thấy, việc tuyển dụng, luân chuyển, điều động, sử dụng cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế, có nơi số thu thấp nhưng số cán bộ thuế lớn, một số đơn vị có số thu lớn, tính chất quản lý phức tạp nhưng thiếu cán bộ, công chức, nhất là một số lĩnh vực cần tăng cường như công tác thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, gian lận thuế, dẫn đến hiệu quả của công tác thu chưa cao.

Bên cạnh đó, còn một bộ phận cán bộ thuế chưa thực sự chuyên tâm vào công tác thu,một số vi phạm kỷ luật, số cán bộ chuyển khỏi ngành còn lớn…

Thành lập đơn vị hành chính mới mà không có bộ phận thuế ai chịu nổi?

Phát biểu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhất trí với đánh giá thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách và cho rằng 2 đơn vị Tổng cục Thuế và Hải quan đã có nhiều cố gắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, theo yêu cầu cải cách, đổi mới hoạt động đã chủ động rà soát biên chế, rà soat thủ tục, đi đầu trong công cuộc cải cách hành chính nên đều công bố giảm thời gian thực hiện trong 2 lĩnh vực rất tốt. Cũng vì thế nên ngành tài chính lực lượng hải quan, thuế rất có uy tín trước cử tri. Đại biểu cũng khen ngợi nhiều.

“Đánh giá của Uỷ ban Tài chính Ngân sách là tuy biên chế như vậy, tiền vẫn mức chi hạn chế, khiêm tốn nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Riêng tôi nghĩ, không có nghĩa với mức như vậy, làm tốt rồi ta lại không điều chỉnh tốt hơn cho anh em”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, tổ chức và biên chế của Hải quan phải phụ thuộc vào tình hình thực tế.

Theo ông, cửa khẩu trên đất liền có 2 loại hải quan phải có mặt là cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia. Ở những vị trí này, phải có hải quan đứng chân ở đây. Còn cửa khẩu qua lại, tiểu ngạch quá nhiều thì không nói.

Một loại cửa khẩu khác là cửa khẩu ở các cảng hàng không. Giờ lại mở ra hàng loạt cảng hàng không khu vực và quốc tế thì hải quan phải có mặt để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm soát các vấn đề giao thương, buôn bán, quá cảnh…

“Mặc dù tôi đồng ý với tinh thần của TƯ là giảm biên chế. Nhưng nếu giảm số người ở đây sẽ bị bất ngờ và mất cảnh giác, nên cần cân nhắc”, ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề của ngành thuế, ông Ksor Phước cho rằng, đối với việc thành lập các đơn vị hành chính mới, nếu thành lập các huyện mới mà không có bộ phận thuế ở các huyện thì ai chịu nổi.

“Thuế phải theo đơn vị hành chính, không phải ở huyện này mà thu ở huyện khác được, nên phải tính thêm. Thuế ở TP khác với thị xã, thị xã khác huyện, nên biên chế phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ”, ông nhấn mạnh.

Sau phần thảo luận của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ cơ bản nhất trí phải ban hành nghị quyết để thực hiện cơ chế này với Tổng cục Thuế và Hải quan.

“Ủy ban thống nhất tiếp tục duy trì biên chế với ngành thuế và hải quan đến tháng 3/2015. Tuy nhiên, phải tinh giản bộ máy biên chế, cần phải điều chỉnh tăng giảm cho hợp lý. Trong tổng biên chế đó, nơi nào cần giảm, nơi nào cần tăng để sắp xếp lại đội ngũ cán bộ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Về cơ chế, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng ý với tờ trình do Chính phủ trình là trích 1,8% và 2,1% trên dự toán thu ngân sách hằng năm do Quốc hội và Chính phủ giao dự toán hằng năm để thực hiện chi tiêu cho ngành thuế và hải quan.

“Chi xây dựng cơ bản tối thiểu 10%, mua sắm trang thiết bị hiện đại hóa tối thiểu 25%. Riêng tiền lương, công bình quân không vượt quá 1,8 lần, tăng thu nhập từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên nhưng không vượt quá 0,2 lần”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Sau kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành Cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 – 2020.

  1. Dịch vụ kế toán
  2. Dịch vụ thành lập công ty
  3. Dịch vụ quyết toán thuế
  4. Dịch vụ bảo hiểm xã hội
  5. Dịch vụ lập báo cáo tài chính
  6. Dịch vụ thay đổi GPKD
  7. Dịch vụ giải thể doanh nghiệp
  8. Đăng ký thương hiệu

Tham khảo bảng giá dịch vụ thành lập công ty

Tham khảo bảng giá dịch vụ kế toán

Dịch vụ tra cứu hóa đơn                             

Dịch vụ tra cứu thông tin công ty

Dịch vụ tra cứu ngành nghề kinh doanh

Tham khảo tại: www.cktc.vn

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Mail: cktc.vn@gmail.com

Hotline: 0888 139 339

Posted in:
About the Author

C K T C

Chìa Khóa Thành Công cung cấp dịch vụ báo cáo thuế, dịch vụ kế toán trọn gói, thành lập công ty trọn gói, dịch vụ quyết toán thuế, dịch vụ làm báo cáo tài chính, dịch vụ đăng ký bảo hiểm xã hội, dịch vụ thay đổi giấy phép kinh doanh và dịch vụ giải thể doanh nghiệp.