Luôn cập nhật và tìm hiểu các quy định mới về thuế ở nước sở tại là chìa khóa giúp các nhà quản lý nhân sự đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, nhằm tránh những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập, với dân số hơn 620 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động chiếm gần 50%, với khoảng 300 triệu người. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng cao nhất là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%).
Tuyên bố của AEC quy định rõ: “Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề”.
Điều này mang đến không chỉ cơ hội, mà còn cả thách thức đối với các nhà tuyển dụng Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn lao động có kỹ thuật của các nước thành viên AEC và ngược lại.
Một trong những khó khăn đó là sự thay đổi nhanh chóng về luật thuế, luật xuất nhập cảnh ở từng quốc gia, gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho các nhà quản lý khi thực hiện các quy định đó. Vì thế, chính sách thuế được xem là một trong những giải pháp quản lý việc tuân thủ và quản lý rủi ro khi điều động nhân sự trong AEC.
Tại Hội thảo “Dịch vụ thuế – nhân sự toàn cầu” khu vực Đông Nam Á, vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý thuế ở Việt Nam đang quan tâm nhiều đến việc truy thu thuế đối với người nước ngoài đang làm việc tại đây, vì thế, lực lượng nhân sự nước ngoài tới làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ là vấn đề được cơ quan này quan tâm.
“Mối quan tâm hiện nay là thuế thu nhập cá nhân. Các văn phòng cũng như công ty phải báo cáo để chịu trách nhiệm với cơ quan thuế của Việt Nam về thuế thu nhập cá nhân của nhân sự người nước ngoài”, ông Thomas nói và cho biết, Việt Nam đang áp dụng biện pháp kiểm soát và dần tăng cường kiểm toán thuế, với mức phạt 20% nếu khai thuế sai.
Tuy nhiên, hiện chưa có sự liên kết giữa cơ quan thuế và cơ quan xuất nhập cảnh để hạn chế đối với những cá nhân người nước ngoài chưa hoàn tất nghĩa vụ đóng thuế. Nhiều ý kiến từ phía cơ quan thuế cho rằng, nên hạn chế xuất nhập cảnh đối với những người nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ khai báo, nộp thuế.
Theo ông Thomas, người chịu thuế cũng cần có các chứng từ đầy đủ để chứng minh, thuyết phục cơ quan thuế, đồng thời cơ quan thuế của Việt Nam cần xem xét lại các trường hợp khai báo bổ sung để được khấu trừ.
Bà Jinll Lim, Phó tổng giám đốc Bộ phận thuế Deloitte Singapore cho biết, các nước đang quan tâm đến lực lượng nhân sự di chuyển giữa các nước và khu vực. Singapore là một trong những quốc gia có lực lượng lao động nước ngoài nhiều nhất, nên nước này rất chú trọng việc kiểm soát và kiểm toán thuế. Theo đó, nếu không khai thuế và khai sai, mức phạt lên đến 200 – 400%.
Trong khi đó, tại Philippines, nếu khai thuế thiếu 30%, người nước ngoài đang làm việc tại nước này sẽ bị phạt hành chính 50% và chịu lãi suất trên phần chịu thuế. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và coi đây là một tội nặng.
Tại Maylaisia, hệ thống đã được kết nối giữa các cơ quan, ban, ngành, nên cơ quan xuất nhập cảnh của quốc gia này sẽ không cho phép xuất, nhập cảnh đối với những cá nhân nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Theo bà Ang Weina, Phó tổng giám đốc Bộ phận thuế Deloitte Malaysia, chương trình tự động khai báo thuế đã được quốc gia này áp dụng, góp phần giảm bớt tình trạng thất thoát thuế. Malaysia rất nghiêm ngặt trong việc tách bạch chi phí của công ty và cá nhân chịu thuế. Vì thế, các công ty sẽ làm công việc kiểm soát nội bộ kỹ lưỡng.
Còn tại Indonesia, nếu cá nhân nước ngoài nào không hoàn tất nghĩa vụ đóng thuế và khai báo không trung thực sẽ bị truy cứu hình sự.
Với Thái Lan, ông Anthony Visate Loh, Phó tổng giám đốc dịch vụ thuế, lãnh đạo Bộ phận thuế và pháp lý của Deloitte Thái Lan cho hay, các trường hợp truy cứu hình sự về việc khai báo thuế không trung thực xảy ra tại đây chưa nhiều, song việc tuân thủ trong khai báo và đóng thuế đối với người nước ngoài luôn được Chính phủ Thái Lan đề cao, kể cả biện pháp cấm xuất nhập cảnh.
Với sự ra đời của AEC, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp ở các quốc gia sở tại cần thiết phải có giấy phép lao động cho những người nước ngoài khi vào làm việc, đồng thời luôn tuân thủ chính sách thuế để hạn chế rủi ro khi điều động nhân sự toàn cầu.
Các doanh nghiệp phải có những kiến thức cần thiết về luật thuế và luật xuất nhập cảnh liên quan đến lĩnh vực tuyển dụng, điều động nhân sự xuyên quốc gia, đặc biệt là nhân sự đến từ các quốc gia thành viên AEC.
“Để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp cần cập nhật những thay đổi của luật thuế và hiểu rõ những ảnh hưởng mà nó tác động đến cả người sử dụng lao động và người lao động được điều động sang quốc gia khác”, ông Thomas McClelland nói.