Cơ quan thuế các địa phương rất khó giải thích với doanh nghiệp về chuyện chậm hoàn thuế. Tại sao?
Ngày 26-2, tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành thuế năm nay, ông Nguyễn Đình Ân – phó cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng – đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế sớm thể chế hóa việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) để cơ quan thuế các địa phương có thể giải thích được với người nộp thuế về việc chậm hoàn thuế VAT.
Cũng chia sẻ tâm tư này, ông Nguyễn Văn Hải – cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh – cho rằng cơ quan thuế các địa phương rất khó giải thích với doanh nghiệp về chuyện chậm hoàn thuế.
“Doanh nghiệp kêu rằng họ nộp thuế chậm 1-2 ngày, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp trong khi đó cơ quan thuế hoàn thuế chậm hàng tháng trời mà không có ý kiến gì. Do đó, những quy định hoàn thuế cần phải đưa vào thông tư hướng dẫn rõ ràng” – ông Hải đề nghị.
Ngoài ra, theo ông Hải, cần nghiên cứu chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp như giai đoạn năm 2009-2013, đồng thời xem xét giảm tỉ lệ tính tiền chậm nộp xuống còn 0,025-0,03%/ngày, thay cho mức quá cao hiện nay là 0,05%/ngày.
Nên trao quyền cho cơ quan thuế được quyết định một số trường hợp doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp phân kỳ. “Hầu hết doanh nghiệp nợ thuế đều có vốn mỏng, khó khăn về tài chính. Nếu bị cưỡng chế thuế thì doanh nghiệp buộc phải phá sản, không có khả năng nộp thuế, mà người lao động mất việc, hàng chục doanh nghiệp là khách hàng cũng lao đao theo” – ông Hải nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn xin tiếp thu ý kiến, đồng thời thừa nhận khó khăn trong hoàn thuế là cơ sở pháp lý liên quan đến tổ chức, kiểm tra hoàn thuế còn chậm.
“Tiền hoàn thuế là quyền lợi của doanh nghiệp, nhưng pháp luật hiện hành chưa đảm bảo được nguyên tắc chặt chẽ trong hoàn thuế” – ông Tuấn thừa nhận.
Cũng theo ông Tuấn, trong năm nay ngành thuế phải xây dựng nhiệm vụ động viên ngân sách hợp lý, vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách vừa đảm bảo sự cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.
Cụ thể, ngoài việc tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế sao cho giải quyết được bức xúc của doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về hoàn thuế, đồng thời xây dựng nghị quyết của Quốc hội về xóa nợ chậm nộp, phạt chậm nộp do nguyên nhân bất khả kháng chứ không phải do doanh nghiệp.