CKTC là đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán trọn gói, dịch vụ thành lập công ty giá rẻ, dịch vụ quyết toán thuế – dịch vụ làm báo cáo tài chính, dịch vụ thay đổi đăng ký kinh doanh, dịch vụ đăng ký bảo hiểm xã hội và dịch vụ giải thể công ty chuyên nghiệp tại Việt Nam. CKTC – Hướng dẫn hạch toán các loại thuế đối với chi nhánh.
Hướng dẫn hạch toán các loại thuế đối với chi nhánh khi các doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh thường mở thêm các chi nhánh. Các chi nhánh có thể hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập với trụ sở chính. Bài viết của Dịch vụ kế toán CKTC sẽ hướng dẫn cách hạch toán các loại thuế đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc và độc lập.
1. Kê khai thuế môn bài
Theo điều 17 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định:
Kê khai thuế cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc và độc lập. Lập tờ khai môn bài cho chi nhánh theo Nghị định 139.
a. Chi nhánh hạch toán độc lập
– Kê khai tại chi nhánh đó.
b. Chi nhánh hạch hạch toán phụ thuộc
– Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc là chi nhánh, cửa hàng … ở cùng tỉnh với trụ sở chính thì nộp tờ khai thuế môn bài tại cơ quan thuế trụ sở chính.
– Nếu ở khác tỉnh thì nộp tờ khai và tiền thuế môn bài tại chi nhánh đó.
2. Xuất hóa đơn cho chi nhánh
Theo điểm 2.6 Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định
a. Chi nhánh hạch toán độc lập
– Xuất hóa đơn như bán hàng bình thường.
b. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc
– Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc là chi nhánh, cửa hàng … ở khác tỉnh, khi điều chuyển hàng hóa cho những chi nhánh này để bán thì doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
- Lập hóa đơn GTGT.
- Lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ. Nhưng khi bán hàng thì những chi nhánh này phải lập hóa đơn và Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về trụ sở chính. Để trụ sở chính lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ.
– Chi nhánh hạch toán phụ thuộc thực hiện kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng xuất bán và được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào những hóa đơn GTGT mà trụ sở chính giao hàng xuất cho.
Lưu ý:
– Những chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh nông, lâm, thủy sản, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính thì sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn GTGT.
– Hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất thì không phải lập hóa đơn, không phải tính, nộp thuế GTGT.
(Theo điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC)
Những chi nhánh hạch toán phụ thuộc có thể xin cấp MST riêng (13 số) và đặt in hóa đơn GTGT.
3. Kê khai thuế GTGT:
Theo điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC
a. Chi nhánh hạch toán độc lập
– Thì kê khai tại chi nhánh
b. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc
+ Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc cùng tỉnh (TP) với trụ sở chính thì kê khai tại trụ sở chính.
Chú ý: Nếu những chi nhánh này có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng và trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế GTGT đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.
– Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke thì Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế.
+ Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc ở khác tỉnh (TP) với trụ sở chính: Thì kê khai thuế GTGT tại chi nhánh. Nếu những chi nhánh này không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì kê khai thuế tại trụ sở chính.
– Trường hợp doanh nghiệp có dự án kinh doanh bất động sản ở địa phương khác tỉnh với trụ sở chính, có thành lập đơn vị trực thuộc (chi nhánh, Ban quản lý dự án…) thì phải thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ với cơ quan thuế địa phương.
VD: Công ty kinh doanh bất động sản A có trụ sở tại Hồ Chí Minh, Công ty là chủ đầu tư dự án phát triển nhà tại thành phố Đà Nẵng, Công ty thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng để quản lý dự án thì chi nhánh Công ty A phải thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản này tại Đà Nẵng.
c. Đối với những doanh nghiệp sản xuất
Những cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) khác tỉnh với trụ sở chính: Nếu không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì:
– Nếu cơ sở sản xuất có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương đó, khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải lập hóa đơn GTGT làm căn cứ để kê khai, nộp thuế tại đó.
– Nếu cơ sở sản xuất không thực hiện hạch toán kế toán thì kê khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất (Thuế vãng lai ngoại tỉnh)
Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương cơ sở sản xuất được xác định theo tỷ lệ:
– 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%)
– 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra.
(Phải lập tờ khai GTGT mẫu 05/GTGT và phụ lục 01-5/GTGT để thể hiện số thuế của hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh)
– Nếu tổng số thuế GTGT phải nộp cho địa phương ( nơi có cơ sở sản xuất ) xác định theo nguyên tắc trên mà lớn hơn số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính thì DN tự phân bổ số thuế phải nộp cho các địa phương như sau:
Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương = Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính X Tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm do cơ sở sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp.
Chú ý: Nếu doanh nghiệp không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì không phải nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
– Doanh nghiệp phải lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT kèm theo Thông tư 156 cùng với hồ sơ khai thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp, đồng thời gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT tới các cơ quan thuế cơ sở sản xuất trực thuộc.
Căn cứ số thuế GTGT được phân bổ giữa trụ sở chính và các địa phương cơ sở sản xuất trên Bảng phân bổ theo mẫu số 01-6/GTGT nêu trên, DN lập chứng từ nộp thuế GTGT tại trụ sở chính và từng địa phương cơ sở sản xuất. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính và địa phương cơ sở sản xuất.
Ví dụ: Công ty A trụ sở tại Hồ Chí Minh có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Bình Dương và Đồng Nai. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% và do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 8/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Bình Dương là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Đồng Nai là 600 triệu. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính của công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 25 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Bình Dương là:
500 triệu x 2% = 10 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Đồng Nai là:
600 triệu x 2% = 12 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hồ Chí Minh là:
25 triệu – 10 triệu – 12 triệu = 3 triệu đồng.
Ví dụ : Công ty A trụ sở tại Hồ Chí Minh có 3 nhà máy sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 9/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Bình Dương là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Đồng Nai là 600 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hồ Chí Minh là 200 triệu.
Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của Công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 20 triệu đồng.
Theo nguyên tắc tạm nộp tại các địa phương theo tỷ lệ 2% doanh thu đối với hàng hóa chịu thuế 10%, Công ty A xác định số thuế GTGT phải nộp cho Bình Dương và Đồng Nai là: 500 triệu x 2% + 600 triệu x 2% = 22 triệu. Như vậy khi xác định theo nguyên tắc này thì số thuế phải nộp cho các địa phương sẽ lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của Công ty A tại trụ sở chính. Vì vậy, Công ty A tự phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương như sau:
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Bình Dương là:
20 triệu x 500 triệu / (500 triệu + 600 triệu +200 triệu) = 7.69 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Đồng Nai là:
20 triệu x 600 triệu / (500 triệu + 600 triệu + 200 triệu) = 9.23 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hồ Chí Minh là:
20 triệu – 7.69 triệu – 9.23 triệu = 3.08 triệu đồng.
Ví dụ: Công ty A trụ sở tại Hồ Chí Minh có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Bình Dương và Đồng Nai. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 10/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Bình Dương là 400 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Đồng Nai là 500 triệu. Tháng 10/2014, Công ty A không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính. Công ty A cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng cho Bình Dương và Đồng Nai.
4. Kê khai thuế TNDN
Theo Khoản 1 Điều 12 quy định trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp Thông tư 156/2013/TT-BTC:
a. Chi nhánh hạch toán độc lập
– Kê khai thuế TNDN tại chi nhánh đó.
b. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc
– Kê khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính (Chi nhánh không phải kê khai thuế TNDN chỉ kê khai thuế GTGT và môn bài tại cơ quan thuế chi nhánh đó)
c. Đối với doanh nghiệp sản xuất
– Những cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính: Thì nộp hồ sơ khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính.
5. Kê khai thuế TNCN
Điểm c Khoản 2 Điều 16 quy định về khai thuế thu nhập cá nhân Thông tư 156/2013/TT-BTC:
“c) Nơi nộp hồ sơ khai thuế
c.1) Nơi nộp hồ sơ khai thuế quý, từng lần phát sinh
– Nơi nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế là Cục Thuế trực tiếp quản lý nơi cá nhân làm việc hoặc nơi phát sinh công việc tại Việt Nam (trường hợp cá nhân không làm việc tại Việt Nam).
– Nơi nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh, kể cả cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến) là Chi cục Thuế trực tiếp quản lý nơi cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh.
– Nơi nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần sử dụng hóa đơn là Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú)”.
Từ những quy định trên thì:
a. Chi nhánh hạch toán độc lập
– Kê khai và quyết toán thuế tại chi nhánh đó
b. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc
– Kê khai và quyết toán tại trụ sở chính của công ty.
6. Báo cáo tài chính và quyết toán thuế
a. Chi nhánh hạch toán độc lập
– Kê khai và nộp BCTC, quyết toán thuế tại chi nhánh đó
b. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc
– Kê khai và nộp BCTC về cho trụ sở chính, trụ sở chính làm BCTC hợp nhất và nộp lên cơ quan thuế.
c. Các chi nhánh hạch toán phụ thuộc có trụ sở ở địa phương khác tỉnh với trụ sở chính
Các chi nhánh hạch toán phụ thuộc có trụ sở ở địa phương khác tỉnh với trụ sở chính của Công ty mẹ lập báo cáo hoạt động kinh doanh gửi về Công ty mẹ ở trụ sở chính. Công ty mẹ căn cứ vào đó lập báo cáo tài chính tổng hợp (báo cáo tài chính hợp nhất) cho toàn bộ doanh nghiệp tại trụ sở chính và nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý thuế tại địa phương có trụ sở chính. Còn chi nhánh hạch toán phụ thuộc không phải lập báo cáo tài chính gửi cơ quan quản lý thuế trực tiếp quản lý chi nhánh.