Công ty có thông báo cưỡng chế hóa đơn và bị khóa mã số thuế ngày 01/10/2019 do đang nợ thuế. Nhưng tháng 01/11/2019 do không biết nên công ty tôi đã xuất hóa đơn cho khách hàng? Như vậy thì tôi thu hồi lại có bị phạt không? Hóa đơn đó đã kê khai rồi thì xử lý như thế nào? Mức phạt sử dụng hoá đơn bất hợp pháp như thế nào? Cách xử lý khi khi doanh nghiệp bị đóng mã số thuế mà vẫn xuất hoá đơn?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến DỊCH VỤ KẾ TOÁN CKTC. Nội dung câu hỏi của doanh nghiệp đã được đội ngũ chuyên viên của CKTC nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý về hoá đơn bất hợp pháp:
– Thông tư 39/2014/TT-BTC;
– Thông tư 10/2014/TT-BTC;
– Công văn số 11797/BTC-TCT ngày 22/08/2014.
2. CKTC tư vấn về hoá đơn bất hợp pháp – Hoá đơn khi doanh nghiệp bị đóng mã số thuế:
2.1. Nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp bị đóng mã số thuế
Các nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp bị đóng mã số thuế là:
+ Doanh nghiệp nợ đóng tiền thuế nhiều, trong thời gian dài.
+ Doanh nghiệp không nộp các tờ khai thuế theo quy định trong thời gian dài.
+ Người nộp thuế ngừng khai thuế, nộp thuế mà không thông báo với cơ quan thuế.
+ Quá thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế, cơ quan thuế gửi công văn thông báo mà không có phản hồi từ phía người nộp thuế.
+ Khi cơ quan thuế kiểm tra không thấy người nộp thuế hoạt động tại cơ sở đã đăng ký với cơ quan thuế. Có thể do chuyển địa điểm trụ sở mà chưa làm thủ tục chuyển thuế.
+ Không hoạt động tại địa điểm đăng ký trụ sở cũng không treo biển doanh nghiệp.
=> Bị quy là doanh nghiệp bỏ trốn
Trong trường này doanh nghiệp của bạn là do nợ thuế nhiều trong thời gian dài nên cơ quan thuế sẽ ra quyết định cưỡng chế và đóng mã số thuế. Và doanh nghiệp không thể nào thực hiện được các công việc như nộp tờ khai, nộp thuế, thay đổi nội dung về việc đăng ký kinh doanh và xuất hóa đơn.
Căn cứ theo Điều 22 của Thông tư 39/2014/TT-BTC tất cả các hóa đơn được xuất trong thời gian này đều không có giá trị sử dụng và được coi là hóa đơn bất hợp pháp.
– Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
– Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).
– Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
– Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
=> Như vậy, nếu doanh nghiệp bị đóng mã số thuế mà xuất hóa đơn là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
2.2. Thủ tục xin mở mã số thuế
Doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân bị đóng mã số thuế để có phương án xử lý tốt nhất. Khắc phục các hành vi vi phạm dẫn đến bị đóng mã số thuế như: Hoàn thiện thủ tục đăng ký thay đổi trụ sở mới, treo biển doanh nghiệp, hay nộp đầy đủ tờ khai thuế theo quy định, nộp tiền thuế nợ đang tồn đọng và nộp các khoản tiền vi phạm hành chính…
Gửi công văn xin mở mã số thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan thế sẽ lập biên bản vi phạm đối với người nộp thuế và ra quyết định phạt đối với các hành vi vi phạm của người nộp thuế. Tùy thuộc vào từng hành vi vi phạm và mức độ vi phạm của người nộp thuế mà có mức phạt cao hay thấp, nặng hay nhẹ. Sau khi người nộp thuế chấp hành xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì cơ quan thuế sẽ thực hiện các thủ tục mở lại mã số thuế cho doanh nghiệp.
2.3. Mức phạt sử dụng hoá đơn bất hợp pháp – Xuất hoá đơn khi doanh nghiệp bị đóng mã số thuế
Theo khoản 5 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC quy định về việc sử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn :
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này).
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và các trường hợp cụ thể xác định là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này còn phải hủy hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng.
2.4. Hướng dẫn kê khai đối với việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Theo công văn số 11797/BTC-TCT ngày 22/08/2014:
– Về nguyên tắc xử lý vi phạm phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng hành vi, tính chất, mức độ vi phạm và đúng quy định pháp luật; trường hợp liên quan đến các hóa đơn đầu vào đã tổng hợp chuyển cơ quan Công an, thực hiện theo những văn bản,…. của cơ quan Công an.
– Về khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với những doanh nghiệp có mua hàng hóa, sử dụng hóa đơn đầu vào trực tiếp của doanh nghiệp và doanh nghiệp trung gian ngừng kinh doanh, bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng (bao gồm cả trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trước ngày Bộ Tài chính ban hành công văn số 7527/BTC-TCT), thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013 và Công văn số 1752/BTC-CTC ngày 10/02/2014 của Bộ Tài chính. Cụ thể đối với một số trường hợp thực hiện như sau:
+ Trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT thì Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để tạm dừng kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chờ kết quả chính thức cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp chỉ được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
+ Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT thì cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ. Trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời cơ quan thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải thực hiện xác minh, đối chiếu với doanh nghiệp có quan hệ mua bán về một số nội dung.
a) Kiểm tra, xác minh về hàng hóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa (nếu có); hình thức giao nhận hàng hóa; địa điểm giao nhận hàng hóa; phương tiện vận chuyển hàng hóa; chi phí vận chuyển hàng hóa; chủ sở hữu hàng hóa và nguồn gốc hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa)
b) Kiểm tra xác minh về thanh toán: Ngân hàng giao dịch; đối tượng nộp tiền vào tài khoản để giao dịch; số lần thực hiện giao dịch; hình thức thanh toán; chứng từ thanh toán.
c) Kiểm tra xác minh về xuất khẩu hàng hóa: Tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của Cơ quan hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Vận đơn (nếu có).
Qua thanh tra, kiểm tra nếu xác minh được việc mua bán hàng hóa là có thực và đúng với quy định của pháp luật thì giải quyết cho doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT; Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết nếu trong các hồ sơ, tài liệu doanh nghiệp xuất trình cho cơ quan Thuế sau này phát hiện có sai phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu việc tạm dừng khấu trừ thuế dẫn đến tăng số thuế GTGT phải nộp thì Cơ quan thuế có trách nhiệm tổng hợp, theo dõi các trường hợp này, chưa yêu cầu nộp và chưa tính phạt nộp chậm chờ kết luận chính thức của Cơ quan có thẩm quyền.
Mail: cktc.vn@gmail.com
Hotline – Viber – Zalo: 0888 139 339