Được áp dụng quy định cũ vẫn chậm nộp
Thông tư số 155/2015 của Bộ Tài chính, thay thế Thông tư 52/2012 về công bố thông tin có nhiều điểm mới, trong đó có quy định thời hạn nộp BCTC quý là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Thời hạn này, trong Thông tư 52/2012, chỉ áp dụng với DN niêm yết không phải lập BCTC hợp nhất hoặc lập BCTC tổng hợp.
Còn trường hợp DN niêm yết là công ty mẹ phải công bố thông tin về BCTC quý của công ty mẹ và BCTC hợp nhất hoặc BCTC tổng hợp thì thời hạn sẽ là 45 ngày.
Thông tư 155/2015 cũng có quy định gia hạn cho các trường hợp DN không thể hoàn thành thời hạn 20 ngày do phải lập BCTC quý hợp nhất hoặc BCTC quý tổng hợp. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ xem xét gia hạn khi có yêu cầu bằng văn bản của công ty, nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, nghĩa là từ kỳ công bố BCTC quý IV/2015, DN niêm yết phải áp dụng quy định mới. Tuy vậy, trước tình trạng nhiều DN xin gia hạn nộp BCTC vì khoảng thời gian 20 ngày để hoàn tất báo cáo quý là quá “eo hẹp”, UBCK đã chấp thuận cho các DN được phép công bố BCTC quý IV/2015 theo quy định cũ, nghĩa là thời hạn 45 ngày với các đơn vị phải lập BCTC công ty mẹ và báo cáo hợp nhất kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý. Nhưng đến nay, dù đã quá thời hạn 10 ngày, vẫn còn một số DN xin gia hạn.
Cụ thể, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa xin gia hạn nộp BCTC hợp nhất quý IV/2015 đến ngày 15/3/2016 với lý do Công ty đang đối chiếu số liệu với kiểm toán độc lập nhằm đảm bảo cho các số liệu và thông tin trên BCTC hợp nhất quý IV/2015 được phản ánh chính xác và đầy đủ.
Cũng với lý do phải kiểm tra đối chiếu số liệu với kiểm toán độc lập nhằm đảm bảo cho các số liệu và thông tin trên BCTC công ty mẹ và hợp nhất quý IV/2015, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), công ty con của HAG cũng xin gia hạn nộp BCTC công ty mẹ và hợp nhất quý IV/2015 đến ngày 15/3/2016.
Lý do phổ biến đối với các doanh nghiệp xin gia hạn là do doanh nghiệp có nhiều công ty con, đơn vị hạch toán phụ thuộc, nên việc rà soát và đối chiếu số liệu khi thực hiện quyết toán có độ trễ về mặt thời gian. Thậm chí, một số DN còn đưa lý do “Tổng giám đốc Công ty (người đại diện theo pháp luật, người ký báo cáo) đi công tác dài ngày”…
DN lo ngại thời hạn nộp BCTC quý mới
Từ mùa công bố BCTC quý I/2016 trở đi, các DN bắt buộc phải áp dụng quy định công bố BCTC quý mới, sớm hơn 25 ngày so với quy định cũ ở các DN có đơn vị kế toán cấp dưới. Ghi nhận của ĐTCK, nhiều DN đang rất áp lực với thời hạn công bố BCTC quý mới này.
Ông Chu Tuấn Anh, Kế toán trưởng CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cho rằng, các DN chỉ có 20 ngày để hoàn tất BCTC quý, đây là khoảng thời gian quá ngắn và để “chạy cho kịp tiến độ”, BCTC của DN rất dễ xảy ra tình trạng sai sót.
Theo đại diện HDG, Công ty có 2 công ty thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và bất động sản. Công ty và các công ty thành viên đều phải lập BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất. Mặt khác, do đặc thù của lĩnh vực xây lắp và bất động sản, việc cập nhật số liệu từ các công trình vào hệ thống kế toán của công ty mẹ mất nhiều thời gian. Chỉ cần các đơn vị thành viên trục trặc về số liệu cũng đã ảnh hưởng chung đến tiến độ lập BCTC của toàn Công ty.
Lo ngại của HDG cũng là lo ngại chung của nhiều DN có quy mô lớn, với nhiều đơn vị thành viên trực thuộc.
Mới đây, CTCP Gốm sứ Taicera (TCR) đã “lo xa” gửi công văn tới Sở GDCK TP. HCM (HOSE) xin gia hạn nộp BCTC quý cuối năm tài chính 2015-2016, kết thúc vào ngày 31/3/2016. Theo đó, Công ty xin gia hạn được nộp BCTC quý là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Theo TCR, hiện doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, với doanh số mỗi năm trên 2.000 tỷ đồng, khối lượng công việc phát sinh nhiều cộng với việc phải hoàn thành báo cáo hợp nhất với 2 công ty con nên cần thêm thời gian thì báo cáo mới đảm bảo kịp thời và chính xác.
Về quy định thời hạn công bố BCTC rút ngắn so với quy định cũ, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho rằng, thời gian lập và công bố thông tin BCTC hợp nhất hoặc BCTC tổng hợp đến 45 ngày như quy định tại Thông tư 52 là khá dài và ảnh hưởng đến việc nắm bắt thông tin của nhà đầu tư đối với tình hình hoạt động của DN. Hơn nữa, BCTC quý không bắt buộc phải kiểm toán hoặc soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận nên thời hạn cũng không cần kéo quá dài.
“Quy định là như vậy, nhưng đối với những công ty mẹ có quá nhiều công ty con thì các DN có thể làm giải trình để cơ quan quản lý xem xét cho gia hạn đối với một số trường hợp cụ thể”, ông Sơn cho biết.