Những thay đổi trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới đang gây khó cho việc đóng thuế của doanh nghiệp sản xuất rượu bia trong nước. Hơn 30 doanh nghiệp trong ngành đã ngồi lại để tìm tiếng nói chung, kiến nghị Nhà nước về vấn đề này nhưng chưa có kết quả.
Đầu tháng 10 này, tại TPHCM, hơn 30 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh rượu, bia đã cùng có mặt tại Hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) do Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cách tính thuế mới sẽ tính trên giá do cơ sở sản xuất bán ra thay vì tính trên giá bán ra của đơn vị sản xuất.
Tuy nhiên, đa phần các DN trong ngành đều cho rằng, cách tính thuế này không phù hợp với tình hình thực tế. Ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco cho biết, cách tính thuế như trên rất bất cập và mang nhiều rủi ro cho DN. Thực tế, DN không thể kiểm soát được mức giá bán ra từ những đại lý. Có những thời điểm mức giá bán ra có thể tăng đến 30% nhưng cũng có mùa thấp điểm, mức giá này lại không được như thế, thậm chí là -7% để kích cầu.
“Chưa kể, có những mùa, như Tết Nguyên đán chẳng hạn, đại lý nhập hàng trước để hưởng giá tốt, sau đó bán giá cao trong ngày Tết. Phía DN sản xuất làm sao kiểm soát vấn đề này”, ông Xanh nói.
Không dừng lại ở đó, các DN thành viên VBA đều cho rằng với cách tính thuế trên giá bán ra, ngành thuế cũng sẽ gây khó khăn cho DN khi một hoặc hai năm sau đó mới truy thu thuế từ mức giá chênh lệch giữa nhà sản xuất và đại lý bán hàng. Thời điểm đó, các DN sản xuất đã tất toán xong tài chính của năm, chia xong cổ tức. Nếu truy thu, DN cũng không biết phải tính toán thế nào.
“Tình hình sẽ căng thẳng khi DN bị nợ thuế, hồ sơ tài chính không “sạch sẽ” rất khó để tiến hành cổ phần hóa”, đại diện Habeco bức xúc.
Ngoài cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, DN trong ngành bia rượu cũng đang lo lắng nhiều về thuế tuyệt đối với các mặt hàng TTĐB. Về vấn đề này, Vụ trưởng Phạm Đình Thi cũng cho biết, thời gian qua, có khá nhiều ý kiến ủng hộ thuế tuyệt đối, áp mức cao nhất cho DN sản xuất rượu bia trong nước. Tuy nhiên, Vụ Chính sách thuế không có chủ trương áp thuế tối đa lên sản phẩm bia rượu trong nước.
“Nếu tính theo thuế tuyệt đối, các nhà máy bia rượu sẽ đóng cửa bởi DN nội địa chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Nếu tính thuế tuyệt đối thì khó cạnh tranh vì giá ngang bằng rượu, bia nước ngoài”. Theo Vụ trưởng Phạm Đình Thi, ít nhất trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ chưa thi triển việc áp thuế tuyệt đối với những mặt hàng này.
Theo Dân trí.