Thực hiện đầy đủ thủ tục hải quan từ khi vận chuyển hàng đến khi nhận bộ chứng từ, một doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam sẽ mất hơn 6 ngày để thực hiện. Về tiêu chí thời gian thực hiện thủ tục, hải quan Việt Nam xếp thứ hai từ dưới lên trong khu vực.
Theo báo cáo “Doing business 2016” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) khảo sát trên 189 nền kinh tế, chất lượng dịch vụ hải quan của Việt Nam năm 2015 được cho điểm số 67,15, xếp hạng 99.
Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng này chỉ cao hơn Indonesia (hạng 105), trong khi thấp hơn các nước có trình độ phát triển tương đương là Campuchia (hạng 98), Philipines (hạng 95) hay Thái Lan (hạng 56). Hai nước Malaysia và Singapore vẫn xếp hạng cao nhất về chất lượng dịch vụ hải quan trong khu vực với xếp hạng tương ứng là 49 và 41.
Theo số liệu, với xuất khẩu, một doanh nghiệp ở Việt Nam từ lúc vận chuyển hàng ra cảng cho tới khi có được bộ chứng từ hoàn thiện để nhận thanh toán sẽ mất tổng cộng 147 giờ, bao gồm vận chuyển hàng hóa ra cảng mất 7 giờ, chi phí mất 181 USD, thông quan tại biên giới mất 57 giờ, chi phí mất 309 USD và chờ cho đến khi có chứng từ để nhận tiền là 83 giờ, chi phí mất 139 USD.
Như vậy, để thực hiện đầy đủ các thủ tục hải quan, doanh nghiệp xuất khẩu mất hơn 6 ngày để thực hiện, nhiều hơn tới 2 ngày so với trung bình của 7 nước Đông Nam Á.
Thực hiện đầy đủ quá trình trên, doanh nghiệp xuất khẩu phải trả 629 USD cho thủ tục hải quan. Đây là mức phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra đắt thứ hai trong khu vực.
Tính trung bình 1 giờ làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam tiêu tốn của doanh nghiệp 0,28 USD, đắt thứ hai trong khu vực, chỉ xếp sau Indonesia.
Những con số này bỏ xa các nước xếp sau trong khu vực là Thái Lan, Phillipines và Campuchia khi các mức phí trung bình ở các quốc gia này đều được tính toán thường xuyên lớn hơn 0,1 USD.
Đứng ở top cuối với những số liệu trên, Việt Nam và Indonesia nằm trong top các nước trong khu vực có hoạt động hải quan tiêu tốn thời gian và tính chi phí cao nhất.
Thủ tục hành chính nhiêu khê và tiêu tốn nhiều thời gian từ lâu đã là vấn đề nhức nhối của ngành hải quan Việt Nam. Còn nhớ năm 2014, Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam đã xếp thủ tục hành chính là vấn đề đáng quan tâm đầu tiên tại Việt Nam với ngành ô tô, với con số thống kê tới 1,5 triệu tờ giấy/năm bị tiêu tốn để thực hiện hoạt động nhập khẩu hàng hóa này.