Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được Chính phủ ban hành ngày 16/5 vừa qua.
Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực
Theo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong tháng 7/2016. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiện toàn Hội đồng Khuyến khích Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) theo hướng Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch hội đồng, có sự tham gia của các Bộ, ngành, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện vai trò điều phối, giám sát thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi toàn quốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2016.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện;
Bộ Công thương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định hiện hành về chính sách cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN theo đúng các cam kết quốc tế; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho DNVVN, doanh nghiệp nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đề xuất biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Quỹ Phát triển DNVVN, cùng với Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia và các quỹ của khu vực tư nhân, nhằm tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao.
Đồng thời, nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng cơ chế tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Bộ KH&CN sớm triển khai Đề án hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ vào quý I năm 2017; chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.
Bảo vệ sở hữu trí tuệ cho DN
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy trình đánh giá sự phù hợp, hợp chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp; Rà soát, đơn giản hoá quy trình, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả thực thi và đẩy mạnh việc tạo lập, khai thác, quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, khai thác, sử dụng hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ VH-TT&DL nghiên cứu, xây dựng các quy định về tăng cường năng lực, hoạt động của các tổ chức bảo vệ quyền tác giả để tạo môi trường cho DN cạnh tranh lành mạnh, nâng cao đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả phù hợp với thông lệ quốc tế, báo cáo CP trong Quý IV/2016.
Tháo gỡ vướng mắc cho DN
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh… phải xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Chính phủ trước ngày 1/7/2016; chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiến độ các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ, chế độ báo cáo nêu tại Nghị quyết; Kịp thời tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của DN trong ngành , lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý để xử lý hoặc chuyển cho CQ có thẩm quyền giải quyết; xử lý nghiêm những công chức, cán bộ gây khó dễ, nhũng nhiễu DN…
Về phần mình, các DN cũng phải có trách nhiệm đẩy mạnh tái cơ cấu, liên kết, hợp tác kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh, kịp thời đề xuất, kiến nghị những khó khăn vướng mắc để được tháo gỡ; đề cao đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường…, Nghị quyết nêu rõ.
Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động đúng quy định, phản ánh đúng tình hình; phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; thống kê, tổng hợp các tin, bài báo chí phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.