Moody’s Investors Service cho biết triển vọng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục ổn định nhờ tăng trưởng kinh tế khả quan, chất lượng tài sản ổn định và thanh khoản tốt.
Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam lại có xếp hạng tín nhiệm tương đối thấp so với các ngân hàng khác trên toàn cầu, cho thấy nguồn vốn yếu và không đủ dự phòng cho các tài sản có vấn đề.
“Môi trường hoạt động của các ngân hàng Việt Nam trong 2 năm vừa qua là khá thuận lợi sau giai đoạn hết sức khó khăn trong năm 2012, do tốc độ tăng trưởng tín dụng chóng mặt những năm trước đó”, nhận định của ông Eugene Tarzimanov, Phó Chủ tịch kiêm Chuyên viên tín dụng cấp cao của Moody’s.
Moody’s đưa ra kết luận trên trong báo cáo được tổ chức này công bố hôm 30/11 mang tên “Triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam: Điều kiện vĩ mô tốt hỗ trợ triển vọng ổn định”.
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng cao, thặng dư tài khoản vãng lai lớn, và các chính sách ưu tiên ổn định tăng trưởng của Việt Nam đã góp phần cải thiện điều kiện cho các ngân hàng. Hiện Moody’s đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức “B1” với triển vọng “ổn định”.
“Chúng tôi kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ ổn định trong giai đoạn đánh giá triển vọng tín nhiệm của chúng tôi, và cũng lưu ý về mức độ minh bạch ngày càng cải thiện liên quan đến các tài sản có vấn đề nhờ những quy định nghiêm ngặt”, ông Tarzimanov cho biết thêm.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này cho biết việc cấp vốn và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ ổn định. Tăng trưởng tiền gửi thời gian qua khá khả quan, và điều này đã góp phần làm giảm sự phụ thuộc của các ngân hàng vào các nguồn cấp vốn nhạy cảm với thị trường, chẳng hạn như cho vay liên ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2014, các quỹ thị trường đã cung cấp lượng vốn tương đương 17% tài sản, thấp hơn so mức 26% trong năm 2012.
Tuy nhiên, Moody’s lại duy trì quan điểm tiêu cực về nguồn vốn và lợi nhuận của các ngân hàng vì hai yếu tố này sẽ tiếp tục chịu áp lực từ mức dự phòng thua lỗ cho vay cao. Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm, cần nhiều thời gian để có đủ dự phòng hoặc xóa bỏ các tài sản có vấn đề.
Moody’s cũng lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng ngày càng nhanh sẽ tạo ra áp lực cung ứng đủ nguồn vốn. Trong khi đó, phương án gia tăng nguồn vốn đệm lại rất hiếm do lợi nhuận ròng thấp và khả năng huy động vốn bên ngoài bị giới hạn.
Moody’s kỳ vọng Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân trong trường hợp cần thiết dưới dạng giảm nợ và hỗ trợ thanh khoản.
Triển vọng tín nhiệm “ổn định” mà Moody’s dành cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phù hợp với triển vọng tín “ổn định” dành cho các mức xếp hạng tiền gửi và phát hành của 6/10 ngân hàng được tổ chức này đánh giá. Trong khi đó, 3 ngân hàng còn lại có triển vọng “tích cực” và 1 ngân hàng đang trong quá trình xem xét.
Xếp hạng Tín dụng Cơ sở (BCA) của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện ở mức “caa1”, thấp hơn 2 bậc so với xếp hạng tiền gửi dài hạn bình quân ở mức B2, đồng nghĩa với việc xếp hạng bình quân có thể được nâng 2 bậc dựa trên sự cân nhắc về mức độ hỗ trợ trong hệ thống.
Hôm 12/06 vừa qua, Moody’s thông báo áp dụng xếp hạng Đánh giá Rủi ro Đối tác (CRA) dài hạn đối với 9 ngân hàng của Việt Nam đồng thời giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của 9 nhà băng này. Theo đó, 2 ngân hàng Vietinbank (CTG) và BIDV (BID) được Moody’s xếp hạng CRA dài hạn ở mức B1(cr). 7 ngân hàng còn lại là ACB, MBB, SHB, STB, VPBank, Techcombank và VIB nhận được xếp hạng CRA dài hạn ở mức B2(cr). Đồng thời, Moody’s cũng áp dụng xếp hạng CRA ngắn hạn cho tất cả 9 ngân hàng của Việt Nam ở mức Not-Prime(cr). Moody’s đưa ra thông báo này sau khi công bố báo cáo về phương pháp xếp hạng tín nhiệm ngân hàng mới vào ngày 16/03/2015./.