(Chìa khóa thành công) Cho dù bạn cần các nhà đầu tư hay không thì bạn vẫn phải viết ra một kế hoạch kinh doanh. Không lập kế hoạch kinh doanh đồng nghĩa với việc bạn đang lập kế hoạch cho sự thất bại.
Hãy xem tình huống của hai chủ doanh nghiệp mới thành lập.
Người đầu tiên đã lập kế hoạch để thành công nên anh bắt đầu bằng việc chuẩn bị từng bước để trở thành một chủ doanh nghiệp. Anh làm việc không chỉ vì kiếm đồng lương mà để tích lũy kiến thức cũng như cơ hội để giao thiệp với các cố vấn giàu kinh nghiệm và đã thành công.
Ngược lại, người kia lại cho rằng việc tiến hành công việc kinh doanh quan trọng hơn nên anh ta không cần một bản kế hoạch. Không tìm hiểu các điều cơ bản khi sở hữu doanh nghiệp đã cho anh ta bài học thất bại đau đớn.
Kế hoạch kinh doanh là kim chỉ nam để hướng bạn đi đúng con đường và tránh được những thất bại đáng tiếc khi khởi nghiệp. Dưới đây là một số cạm bẫy cần tránh để khởi nghiệp thành công:
Bẫy số 1: Không lập kế hoạch là lập kế hoạch để thất bại
Lên kế hoạch hiệu quả không chỉ là viết các mục tiêu lên giấy mà bạn còn phải có trách nhiệm chuẩn bị về tinh thần và thực tiễn để trở thành chủ doanh nghiệp. Các phỏng đoán phi thực tế và các kế hoạch sơ sài truyền đến các nhà đầu tư một thông điệp là bạn thiếu chuẩn bị.
Bẫy số 2: Lên kế hoạch cho lối ra của bạn – bạn muốn một doanh nghiệp hay một công việc?
Nhiều chủ doanh nghiệp mới mở thay vì có được sự tự do và nguồn thu nhập thụ động như mơ ước thì nó lại trở thành công việc mưu sinh của họ. Do lập kế hoạch sơ sài, nhiều doanh nghiệp mới chỉ tạo ra một ít lợi nhuận hoặc không hề có nguồn lợi nhuận nào cả, không những vậy nó còn buộc người chủ phải đầu tư toàn bộ thời gian và công sức vào. Nếu bạn mơ ước có được tự do cá nhân và thoải mái tài chính, hãy lập kế hoạch xây dựng một doanh nghiệp mà một lúc nào đó tự nó hoạt động và mang về lợi nhuận cho bạn. Hơn ai hết, bạn phải đổ mồ hôi, máu và nước mắt trong nhiều năm trời mới có thể đạt đến giai đoạn đó.
Bẫy số 3: Nhiều chủ doanh nghiệp muốn làm theo cách của riêng họ
Từ chỗ không tự tìm hiểu các kiến thức cơ bản về điều hành doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp mới đã không tập hợp được một đội ngũ nhân viên, tư vấn và cố vấn năng lực. Họ làm việc riêng lẻ thay vì tận dụng sức mạnh tập thể. Họ tin mình là người duy nhất có khả năng hoàn thành công việc. Họ thường gặt hái được các kết quả tốt ban đầu và rồi đau đớn nhận ra thay vì tạo ra một doanh nghiệp mơ ước, cái họ thực sự tạo ra chỉ là một công việc cho bản thân. Bằng cách xây dựng doanh nghiệp chủ yếu dựa vào thời gian và khả năng của họ, những người này phải làm việc mới có thu nhập, cách duy nhất để phát triển là bản thân họ phải làm việc nhiều hơn nữa. Họ có thể tránh được cái bẫy hiểm hóc này nếu lên kế hoạch ngay từ đầu.
Bẫy số 4: Một kế hoạch kinh doanh thắng lợi không hề giống bài tập ở bậc đại học
Nhiều doanh nghiệp thất bại mặc dù đã có kế hoạch kinh doanh hoàn hảo cùng các dự án vô cùng lạc quan. Một kế hoạch kinh doanh không như một khóa luận, và để kế hoạch kinh doanh của bạn được chú ý, nó cần phải hoàn hảo cả về hình thức, định dạng, bố cục và ngữ pháp. Không may là, có hình thức tốt mà không nhấn mạnh đến suy nghĩ và tính chất của kế hoạch kinh doanh sẽ thường dẫn tới thất bại ở nội dung quan trọng nhất – một doanh nghiệp hoạt động vì một mục đích lớn hơn cả tiền bạc và có lượng lưu chuyển tiền mặt tăng cao.
Bẫy số 5: Tôi có sản phẩm tốt nhất
Thế giới này đầy các sản phẩm tuyệt vời và luôn thiếu các nhà kinh doanh tài ba. Để doanh nghiệp thành công, điều kiện đầu tiên là phải có những người tài ba, thứ hai là một hệ thống hiệu quả và thứ ba mới là sản phẩm tuyệt vời.
Hãy nghĩ đến các công ty như Micosoft, Dell, Mc Donald’s. Thành công của các doanh nghiệp này là kết quả của sự kết hợp giữa niềm đam mê và sự độc đáo bởi hệ thống kinh doanh mà các doanh nhân tạo ra. Trong nhiều trường hợp, các công ty cực kỳ thành công khi có các sản phẩm chất lượng cao dù không phải là tốt nhất trên thị trường. Họ đạt đến độ phát triển như vậy vì có những con người xuất sắc và các hệ thống kinh doanh độc đáo và bền vững.