Hằng năm, doanh nghiệp có thể nhận được thông báo giải trình từ phía Cơ quan thuế. Số lần tối đa doanh nghiệp được Cơ quan thuế kiểm tra là bao nhiêu lần? Nguyên tắc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp của cơ quan thuế như thế nào? Chìa Khóa Thành Công xin chia sẻ như sau
Nguyên tắc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp của cơ quan thuế
Tại điểm 1 Mục II Phần II Quyết định số 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 của Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy trình kiểm tra thuế.
“II. KIỂM TRA TẠI TRỤ SỞ CỦA NGƯỜI NỘP THUẾ
1. Nguyên tắc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế
1.1. Hằng năm cơ quan thuế cấp trên giao nhiệm vụ kiểm tra thuế cho cơ quan thuế cấp dưới với số lượng người nộp thuế dựa trên tiêu chí tỷ lệ số người nộp thuế hoạt động đang quản lý thuế cho 5 (năm) trường hợp: kiểm tra từ hồ sơ khai thuế; kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm; kiểm tra hoàn thuế; kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề; và kiểm tra khác.
1.2. Đối với trường hợp kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm cơ quan thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá 1 lần trong một năm.
1.3. Đối với trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau và kiểm tra sau hoàn thuế, trường hợp kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra theo chuyên đề, trước khi kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế cơ quan thuế có thể yêu cầu người nộp thuế giải trình, cung cấp thông tin tài liệu như trường hợp kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế (nếu cần thiết).”
Theo đó, nếu doanh nghiệp thuộc trường hợp kiểm tra hoàn thuế, kiểm tra theo kế hoạch hoặc kiểm tra theo chuyên đề, trước khi kiểm tra tại trụ sở NNT, cơ quan thuế có thể yêu cầu NNT giải trình, cung cấp thông tin tài liệu như trường hợp kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
Ngoài ra, theo thực hiện nhiệm vụ giám sát kê khai thuế (quý/tháng) là hoạt động thường xuyên của cơ quan thuế, thông qua thông tin kê khai thuế mà doanh nghiệp gửi, trường hợp cơ quan thuế phát hiện thông tin khai thuế có dấu hiệu khai sai (kể cả sai sót vô ý) thì cơ quan thuế sẽ phối hợp với doanh nghiệp (theo hình thức đề nghị giải trình), từ đó DN có điều kiện kịp thời điều chỉnh, khắc phục trước khi vi phạm xãy ra (nếu có).
– Việc cơ quan thuế ban hành Thông báo đề nghị doanh nghiệp giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu trước khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra không tính vào số lần trong một năm thực hiện kiểm tra của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp.
– Việc cơ quan thuế làm việc với doanh nghiệp theo Thông báo giải trình, nếu doanh nghiệp cử người đại diện pháp luật hợp pháp đến làm việc chính thức sẽ được cơ quan thuế lập biên bản để ghi nhận buổi làm việc này.