Bà Nguyễn Thúy Hằng (TP.HCM) tham khảo Thông tư số 01/2010/TT-BTC thấy có hướng dẫn mức chi tiếp khách trong nước đối với chi mời cơm là tối đa không quá 200.000 đồng/suất. Bà Hằng hỏi, 1 suất được hiểu là 1 buổi ăn/người hay 1 ngày/người? Chứng từ để thanh toán tiếp khách gồm những gì?
Bà Hằng cũng muốn biết, căn cứ Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các nội dung và mức chi chế độ hội nghị thì để thanh toán cho một cuộc hội nghị cần phải có những giấy tờ gì?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 6/1/2010 của Bộ Tài chính quy định về chi mời cơm, các cơ quan, đơn vị không tổ chức chi chiêu đãi đối với khách trong nước đến làm việc tại cơ quan, đơn vị mình; trường hợp xét thấy cần thiết thì tổ chức mời cơm khách theo mức chi tiếp khách tối đa không quá 200.000 đồng/suất. Theo đó, 1 suất là 1 buổi ăn/người.
Chứng từ thanh toán do cơ quan, đơn vị quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm tính hợp pháp, thể hiện được các nội dung như: Số lượng khách, mức chi/1 khách và hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt.
Về chế độ chi tổ chức hội nghị
Theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định cụ thể các nội dung chi tổ chức một cuộc hội nghị thì chứng từ thanh toán cho một cuộc hội nghị bao gồm tất cả hóa đơn, chứng từ liên quan đến từng nội dung chi (chi thuê hội trường, văn phòng phẩm, tài liệu, nước uống, thuê phương tiện đưa đón đại biểu,… thanh toán theo hóa đơn thực tế hợp pháp, hợp lệ; chi hỗ trợ tiền ăn, bồi dưỡng báo cáo viên, giảng viên thanh toán theo định mức chi quy định trên cơ sở danh sách đại biểu được hỗ trợ, hợp đồng hoặc văn bản xác nhận việc thuê báo cáo viên, giảng viên,…).
Các chứng từ thanh toán sẽ được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ, phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị.
Theo chinhphu.vn