Theo Luật thương mại 2005, khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ…
Khuyến mại và chiết khấu thương mại được quy định trong Luật là hai hình thức, khái niệm khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, ngay cả Cục thuế Tp.HCM cũng hiểu lầm khi cho rằng, chiết khấu thương mại cũng là một hình thức khuyến mại.
Sự việc gây chú ý gần đây khi Công ty Cổ phần Thương mại Phú Lễ Việt Nam thắng kiện Cục thuế Tp.HCM khi Tòa đã bác gần 5,6 tỷ đồng tiền truy thu và phạt của cơ quan thuế áp đặt trước đó. Đây là số tiền chiết khấu thương mại của công ty Phú Lễ mà Cục thuế Tp.HCM cứ “khăng khăng” cho là đó là khuyến mại (và cho rằng không đủ điều kiện khuyến mại) và “bác” khi khỏi chi phí tính thuế khi thanh tra, quyết toán doanh nghiệp này.
Chiết khấu thương mại là gì?
Chiết khấu thương mại là khoản chiết khấu mà doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
Khoản chiết khấu thương mại được sự thỏa thuận giữa người mua và người bán thông qua hợp đồng đã được hai bên ký kết.
Cần phân biệt chiết khấu thanh toán là khoản tiền người bán giảm tiền cho người mua do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng nhằm khuyến khích người mua thanh toán tiền hàng sớm.
Khuyến mại là gì?
Theo Luật thương mại 2005, khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Các hình thức khuyến mại (theo Điều 92 Luật thương mại)
1. Đưa hàng hóa mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.
2. Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.
3. Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
4. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định.
5. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
6. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
7. Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác.
8. Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
9. Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.
Như vậy, mục đích của chiết khấu thương mại hay khuyến mại đều là các chiến lược bán hàng của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy doanh số bán ra. Trong khi khuyến mại là khoản giảm trừ, chiến thuật bán hàng mang tính ngắn hạn (có thời gian cụ thể) nhằm thúc đẩy doanh số trong thời gian đó. Còn chiết khấu thương mại là khoản mà người bán giảm trừ cho người mua khi người mua đã mua hàng với số lượng lớn (tính trên 1 lần hoặc trong một khoảng thời gian) và thường ổn định, mang tính dài hạn.
Có thể tóm tắt sự khác biệt giữa chiết khấu và khuyến mại như sau:
Chiết khấu thương mại
Khuyến mại
Do bán với số lượng lớn nên giảm một số chi phí như vận chuyển, lưu trữ … => giảm giá
Do sản phẩm mới ra chưa có trên thị trường, hàng cũ không bán được, lỗi mốt … => giảm giá để bán được
Khoản giảm trừ của người bán khi người mua hàng đạt số lượng nhất định theo thỏa thuận.
Khoản giảm trừ (hoặc tặng kèm sản phẩm) nhằm thúc đẩy bán hàng, không nhất thiết đạt số lượng yêu cầu
Là thỏa thuận giữa 2 bên và quy định cụ thể trong hợp đồng (không cần đăng ký với cơ quan quản lý).
Công khai và phải có thông báo/đăng ký với Sở công thương tại nơi doanh nghiệp tổ chức khuyến mại.
Thường áp dụng cho khách hàng bán buôn (bán sĩ).
Áp dụng cho mọi khách hàng, thường cho khách hàng mua lẻ.
Thời gian thực hiện do thỏa thuận theo hợp đồng, có thể được duy trì thường xuyên, mang tính trung, dài hạn.
Chỉ được thực hiện theo từng đợt đăng ký với cơ quan quản lý và bị giới hạn trong thời gian nhất định, mang tính ngắn hạn.