Quyết toán thuế TNCN đối với người chuyển công tác. Việc thay đổi nơi làm việc, điều chuyển công tác là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi một người lao động. Khi thay đổi công việc thì người lao động sẽ thay đổi cơ quan chi trả thu nhập. Vậy người chuyển công tác thực hiện quyết toán thuế TNCN như thế nào?
1. Ủy quyền quyết toán TNCN đối với người chuyển công tác.
Cá nhân khi điều chuyển công tác, thay đổi nơi làm việc trong năm thì có được ủy quyền cho doanh nghiệp cuối quyết toán thuế thay không?
Thông tư 111/2013/TT-BTC tại Điều 25, Khoản 2, Điểm d quy định về khai thuế, quyết toán thuế như sau:
“d) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:
d.1) Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị và thực tế đang làm việc ở đơn vị tại thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.
d.2) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên và có thêm thu nhập khác theo hướng dẫn tại tiết c.4 và c.5, điểm c, khoản 2, Điều này.”
Căn cứ theo quy định trên, cá nhân khi chuyển công tác, thay đổi nơi làm việc trong năm không được ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thuế thay do cá nhân đó có thu nhập tại hai nơi trong năm.
2.Quyết toán thuế TNCN đối với người chuyển công tác có bắt buộc không?
Thông tư 92/2015/TT-BTC tại Điều 21, Khoản 3 Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC như sau:
“a.3) Khai quyết toán thuế
Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trừ các trường hợp sau:
– Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.”
Như vậy thì cá nhân điều chuyển công tác chỉ phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân nếu cá nhân đó thuộc một trong các trường hợp sau:
– Nếu cá nhân đó có số thuế TNCN phải nộp thêm.
– Nếu cá nhân đó có số thuế TNCN nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.
– Trường hợp nếu cá nhân đó có số thuế TNCN nộp thừa mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau hoặc cá nhân không phát sinh thuế TNCN phải nộp thêm thì không phải khai quyết toán thuế.
Ví dụ:
Ông A trong năm 2015 làm việc tại doanh nghiệp X từ tháng 1 đến hết tháng 5 với mức lương là 12 triệu đồng/ tháng. Từ tháng 6 đến tháng 12 ông A làm việc tại doanh nghiệp Y với mức lương là 20 triệu đồng/ tháng.
Thuế TNCN đã khấu trừ tại doanh nghiệp X là 0.75 triệu đồng, tại doanh nghiệp Y là 6.3 triệu đồng.
Cuối năm 2015, Ông A phải quyết toán thuế của năm 2015 như sau:
Tổng thu nhập chịu thuế năm 2015 của ông A là = 12 x 5 + 20 x 7 = 200 triệu.
Thu nhập tính thuế năm 2015 của ông A là 200 – 12 x 9 = 92 triệu
Thuế TNCN năm 2015 của ông A là = 60 x 5% + 32 x 10% = 6.2 triệu đồng.
Thuế TNCN ông A nộp thừa là: ( 0.75 + 6.3) – 6.2 = 0.85 triệu đồng.
Ông A phải quyết toán thuế TNCN để được hoàn hoặc bù trừ sang kỳ sau số thuế 0.85 triệu đồng.
Kết luận: Quyết toán thuế TNCN đối với cá nhân điều chuyển công tác có một số điểm lưu ý như sau:
– Cá nhân không được ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thuế thay.
– Cá nhân chỉ phải khai quyết toán nếu có số thuế nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ sang kỳ sau.