Theo Điều 13 Luật Doanh nghiệp, “tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh…”.
Trừ những tổ chức, các nhân sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Như vậy, nếu bạn không thuộc diện trên thì có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần để thực hiện việc đầu tư kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 89 Luật Doanh nghiệp, “cổ phần, trái phiếu của công ty cổ phần có thể được mua bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty và phải được thanh toán đủ một lần”.
Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.
Nếu bạn mua cổ phần với tư cách cá nhân hoặc với tư cách của một công ty khác mà bạn đang là chủ sở hữu thì bạn (hoặc công ty kia) không phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh gì khác.
Sau khi bạn trở thành cổ đông của công ty, bạn sẽ phải tuân theo pháp luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Theo quy định tại Điều 96 Luật Doanh nghiệp thì việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, trong đó có việc đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Do đó, nếu bạn muốn công ty đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh thì phải thông qua cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Sau khi được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết chấp thuận thì doanh nghiệp sẽ tiến hành thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Về hoạt động đầu tư tài chính: Hoạt động đầu tư tài chính được hiểu là các hoạt động đầu tư vốn vào lĩnh vực kinh doanh khác, ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục đích mở rộng cơ hội thu lợi nhuận cao và hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Đầu tư tài chính bao gồm: đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá), góp vốn liên doanh, mua lại cổ phần, sáp nhập doanh nghiệp…
Về hành vi kinh doanh trái phép: Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự thì “người nào không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép …” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Kinh doanh trái phép. Như vậy, có thể hiểu hành vi kinh doanh trái phép là việc vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Theo quy định tại mục I Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì các hành vi kinh doanh trái phép nêu trên có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 60.000.000 đồng. Nếu các hành vi kinh doanh trái phép nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự thì người có hành vi kinh doanh trái phép có thể bị phạt tù đến 2 năm.