Giấy phép con bấy lâu nay vẫn là chiếc “vòng kim cô” trói buộc các DN, vì thế trong lần đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây, các DN đã thẳng thắn đưa ra các kiến nghị, đề xuất với mong muốn được Chính phủ tháo gỡ trực tiếp.
Thống kê mới nhất của Bộ KH&ĐT, trong số 5.826 điều kiện đầu tư, kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.
Mặc dù chủ trương giảm bớt thủ tục hành chính để hỗ trợ DN phát triển đã được nhắc đến nhiều, nhưng điều đáng lo là nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục soạn thảo và ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh làm khó DN. Đơn cử: Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 25, ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197, ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán. Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30, ngày 12/10/2015 quy định về hồ sơ, thủ tục cấp mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi đối với giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế (trong đó, quy định về các điều kiện kinh doanh trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu)… Điều này đã làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.
Sau ngày 1/7, nhiều văn bản không đúng quy định sẽ bị loại bỏ theo đúng tinh thần của Luật DN và Luật Đầu tư. Song, điều đáng nói ở đây là nhiều ngành nghề sẽ rơi vào tình trạng không pháp chế, quy định cũ hết hiệu lực, quy định mới chưa có. Thời gian đến mốc 1/7 không còn nhiều, khả năng phải hoàn thành việc nghị định hóa hàng loạt thông tư để phù hợp với yêu cầu luật của các bộ, ngành là rất khó. Vì thế, cần phải có giải pháp phù hợp để không để nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện rơi vào tình trạng “không trọng lượng”. Đặc biệt không để xảy ra tư duy dựng hàng rào quy định để né trách nhiệm của cơ quan quản lý. Trước mắt hiện nay cần phải rà soát, chọn những gì bất hợp lý nhất, gây bức xúc nhất để cùng từng bộ, ngành chuyên môn soạn thảo một nghị định chung của Chính phủ xử lý ngay. Tiếp đó, xử lý các vấn đề bức xúc ít hơn; tập hợp báo cáo Chính phủ cho lịch làm luật sửa các luật đang không tương thích, gây bức xúc. Thứ nữa, cần phân biệt rõ quy trình, tiêu chuẩn không phải là điều kiện kinh doanh. Danh mục ngành nghề kinh doanh phải tuân thủ việc rà soát hàng năm. Đó là những giải pháp cấp thiết để vừa bảo đảm hiệu quả của Luật DN, Luật Đầu tư mới giúp tăng sức cạnh tranh cho DN, hỗ trợ, khuyến khích việc khởi nghiệp theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.