Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế tin rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 90% công việc kinh doanh trên toàn thế giới và đại diện cho “một con đường thoát nghèo” đối với nhiều nền kinh tế mới nổi.
Thông điệp này được ông Houlin Zhao phát đi nhân dịp kỷ niệm Ngày Viễn thông thế giới và Xã hội thông tin (18/5) năm 2016, xoáy vào một chủ đề rất thời sự: “Các doanh nghiệp CNTT và truyền thông vì sự tiến bộ xã hội”. Trong đó, ông Zhao khẳng định, ngành viễn thông, CNTT & TT là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật thành công và có lợi nhuận cao nhất, đã cách mạng hóa phương thức liên lạc, giao tiếp của cả thế giới. Thông qua sự kết hợp giữa định hướng chính sách của chính phủ với cải cách quản lý nhà nước, tiêu chuẩn quốc tế, đổi mới ngành công nghiệp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ mới, hoạt động của hàng tỷ người đã được vận hành trong xã hội thông tin chỉ trong một thời gian ngắn.
Thành tựu chung đó có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp. “Doanh nghiệp CNTT được thiết lập để mang đến sự thay đổi tích cực cho xã hội. Chúng ta cần kinh nghiệm chuyên môn, sự đổi mới và đầu tư của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu chung là phát triển kinh tế và xã hội bền vững”. Ông Zhao cũng đặc biệt đề cao vai trò của các doanh nghiệp “sáng tạo nhỏ” khi nhận xét, “các dịch vụ và ứng dụng sẽ có vai trò ngày càng lớn cùng với tiềm năng của những doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, với những giải pháp đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương”.
Nói cách khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như những trung tâm công nghệ là những nguồn khác nhau về các giải pháp sáng tạo, thiết thực, làm xúc tác cho sự tiến bộ, nhất là ở các nước đang phát triển. “Họ chiếm hơn 90% việc kinh doanh trên toàn thế giới và đại diện cho một “con đường thoát nghèo” đối với nhiều nước đang phát triển”, vị Tổng thư ký ITU nêu rõ.
Cách đây 151 năm, đúng vào ngày 18/5, lần đầu tiên vị trí và vai trò của ngành VT-CNTT được khẳng định trên phạm vi toàn cầu với việc thành lập Liên minh viễn thông quốc tế (ITU). Trải qua quá trình hình thành và phát triển, ITU không ngừng lớn mạnh và trở thành một tổ chức chuyên ngành về viễn thông của Liên hợp quốc (LHQ). Bộ TT&TT chính là đầu mối đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia với tư cách là quốc gia thành viên.
Tại sự kiện kỷ niệm Ngày Viễn thông thế giới và Xã hội thông tin cùng Hội thảo chuyên đề “Thiết lập hệ sinh thái năng động, sáng tạo cho sự phát triển bền vững của hạ tầng” do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, 17/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, hạ tầng viễn thông – CNTT băng rộng mà Thủ tướng Chính phủ giao ngành TT&TT xây dựng sẽ là nền tảng cho việc xây dựng, phát triển nên một xã hội thông tin. Tuy nhiên, để tạo dựng được một hạ tầng bền vững thì rất cần đến một hệ sinh thái “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp.
Ông cho cho biết Bộ TT&TT hoàn toàn chia sẻ và đồng hành với những mục tiêu và nỗ lực mà ITU đang triển khai trên phạm vi toàn cầu. “Trong thời gian qua, Bộ TT&TT thường xuyên hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước; tái cơ cấu thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập phát triển. Việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước trong ngành đã được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng. Vừa tiếp tục hoàn thiện mô hình, tổ chức lại sản xuất kinh danh sau tái cơ cấu, các doanh nghiệp vừa nỗ lực kinh doanh có hiệu quả, đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149, phê duyệt Chương trình phát triển viễn thông băng rộng đến năm 2020. Mục tiêu của Chương trình này là xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng VT băng rộng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn quốc, Cung cấp các dịch vụ viễn thông băng rộng đa dạng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường. “Tôi tin rằng, nhiều giải pháp cụ thể về băng rộng đã được đưa ra trong Quyết định một khi được triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp VT-CNTT Việt Nam cũng như cơ hội cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Tâm bày tỏ.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị như Cục Viễn thông, VNNIC, Vụ Hợp tác Quốc tế và các doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel, VNPT đều đã đưa ra những ý kiến liên quan đến phát triển hạ tầng băng rộng tại Việt Nam trong giai đoạn tới.