Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội Khóa 13 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Để giúp người nộp thuế thuận lợi trong việc thực hiện chính sách thuế TTĐB, Tổng cục Thuế đang dự thảo Thông tư và lấy ý kiến trên phạm vi cả nước; Theo đó, một số nội dung mới sửa đổi, bổ sung về thuế TTĐB lần này so với Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 và Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính như sau:
Một là: Giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp hàng hóa được bán qua các cơ sở kinh doanh thương mại.
Trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho các cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết thì giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra.
Trường hợp cơ sở sản xuất, cơ sở thành lập nhiều cơ sở thương mại trung gian có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ hoặc có mối quan hệ liên kết thì giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn 7% so với giá bình quân của các cơ sở thương mại bán cho cơ sở kinh doanh thương mại không có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ, hoặc có mối quan hệ liên kết với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu.
Riêng mặt hàng xe ôtô giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán xe ôtô chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng.
Cơ sở sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu và cơ sở kinh doanh thương mại được coi là có mối quan hệ liên kết khi cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của cơ sở thương mại; cả cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu và cơ sở kinh doanh thương mại đều có ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB thấp hơn so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Hai là: Xác định số thuế GTGT phải nộp trong trường hợp cơ sở sản xuất phải điều chỉnh giá tính thuế TTĐB do giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn tỷ lệ % so với giá bán bình quân của cùng loại sản phẩmdo cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Trường hợp cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB bán hàng hóa cho các cơ sở kinh doanh thương mại nhưng giá bán của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra; cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất đã tự kê khai giá tính thuế TTĐB theo giá không thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở thương mại thì cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu không phải khai điều chỉnh tăng thuế GTGT phải nộp.
Ba là: Bù trừ doanh thu giữa các kỳ khai thuế TTĐB đối với hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng.
Giá làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là doanh thu từ kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng đã trừ tiền trả thưởng cho khách tức là bằng số tiền thu được (chưa có thuế GTGT) do đổi cho khách trước khi chơi tại quầy đổi tiền hoặc bàn chơi, máy chơi trừ đi số tiền đổi trả lại khách hàng. Người nộp thuế không được kết chuyển doanh thu từ kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng đã trừ tiền trả thưởng cho khách bị âm sang kỳ kê khai thuế tiếp theo. Trường hợp trong kỳ khai thuế, doanh thu từ kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng đã trừ tiền trả thưởng cho khách bị âm thì người nộp thuế không phải nộp thuế TTĐB.
Bốn là: Xác định doanh thu chịu thuế TTĐB đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Nếu doanh thu để tính thuế TTĐB là doanh thu khoán đã bao gồm thuế GTGT thì doanh thu để tính thuế TTĐB là doanh thu khoán trừ (-) số thuế GTGT phải nộp.
Năm là: Về giảm thuế TTĐB.
Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có). Số thuế TTĐB làm căn cứ để tính mức tối đa 30% được giảm là số thuế TTĐB phát sinh kê khai phải nộp theo quy định của năm xảy ra thiệt hại (không bao gồm số nợ thuế TTĐB của năm trước chuyển sang). Giá trị tài sản thiệt hại làm căn cứ giảm thuế TTĐB là giá trị thiệt hại của TSCĐ, sản phẩm tồn kho, nguyên vật liệu, vật tư, phụ tùng, nhiên liệu sử dụng để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB sau khi trừ giá trị bảo hiểm bồi thường (nếu có) và giá trị thu hồi (nếu có).
Thủ tục, hồ sơ giảm thuế được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại do đơn vị bảo hiểm xác nhận (hoặc đơn vị thẩm định độc lập không có quan hệ liên kết trong trường hợp không có bảo hiểm)./.