Câu hỏi về điều kiện mở dịch vụ Spa – Ngành nghề Spa: Tôi muốn mở Spa chăm sóc da mặt, body ở Hồ Chí Minh. Tuy nhiên nếu không có bác sĩ thì trên giấy phép sẽ xin là dịch vụ gì?.
CKTC tư vấn về điều kiện mở dịch vụ Spa:
A. Điều kiện mở dịch vụ Spa của bạn có dịch vụ massage (xoa bóp):
Theo quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2014 kinh doanh dịch vụ xoa bóp là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, điều kiện mở dịch vụ Spa có hành nghề xoa bóp được quy định tại Thông tư số 11/2001/TT-BYT như sau:
– Phải có bác sĩ phụ trách hành nghề dịch vụ xoa bóp và bác sĩ phụ trách phải đảm bảo các yêu cầu như sau:
+ Về mặt chuyên môn: là bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng hoặc bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sĩ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về chuyên ngành vật lý trị liệu – phục hồi chức năng tại các trường được Bộ Y tế chỉ định (theo danh sách quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 11/2001/TT-BYT).
+ Nếu là cán bộ đương chức thì được phép làm ngoài giờ bằng văn bản của lãnh đạo cơ quan.
+ Có đủ sức khỏe để làm việc (giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp quận, huyện trở lên).
+ Chỉ được đăng ký hành nghề tại một cơ sở và chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật. Nghiêm cấm việc cho thuê, mượn bằng, chứng chỉ đào tạo.
+ Hợp đồng lao động giữa bác sĩ và chủ cơ sở kinh doanh.
– Phải có nhân viên kỹ thuật xoa bóp. Nhân viên kỹ thuật phải đảm bảo các yêu cầu quy định tại khoản 2 Mục II điều kiện với cơ sở có dịch vụ xoa bóp Thông tư 11/2001/BYT.
– Các điều kiện khác về điều kiện mở dịch vụ Spa:
+ Biển hiệu: Phải ghi đúng: “Xoa bóp” hoặc “Massage”, không được ghi cụm từ “Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng” hoặc các tên khác.
+ Các phòng xoa bóp phải đảm bảo đủ một số điều kiện nhất định.
+ Có buồng tắm hợp vệ sinh, hệ thống nước sạch đầy đủ.
+ Phòng bác sĩ có giường khám bệnh, tủ thuốc cấp cứu, bàn làm việc, một số dụng cụ kiểm tra sức khỏe.
+ Có đủ thuốc theo danh mục quy định, có dụng cụ y tế thông thường (Phụ lục 3 Thông tư 11/2001/TT-BYT).
+ Nhân viên kỹ thuật xoa bóp phải mang trang phục gọn, sạch, đẹp, kín đáo, có phù hiệu ghi rõ tên cơ sở, tên nhân viên, có ảnh cỡ 3 x 4 và chỉ được hành nghề tại các phòng xoa bóp khi có đủ điều kiện bên trên.
Mặt khác, theo Khoản 5 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì kinh doanh dịch vụ xoa bóp, gồm: Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp (massage), tẩm quất phục vụ sức khỏe con người là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong trường hợp này, bạn phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Do vậy, điều kiện mở dịch vụ Spa của bạn có dịch vụ “xoa bóp” thì bắt buộc phải đáp ứng điều kiện có bác sĩ phụ trách hành nghề dịch vụ xoa bóp và bác sĩ phụ trách và phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự mới có thể đăng ký hoạt động được.
B. Điều kiện mở dịch vụ Spa của bạn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp:
Căn cứ Thông tư 11/2001/TT-BYT quy định:
“3. Các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ, săn sóc da mặt, tẩm quất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.”
Do đó, trường hợp spa của bạn chỉ đơn thuần cung cấp các dịch chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ… thì không cần phải đáp ứng các điều kiện theo Thông tư 11/2001/TT-BYT. Và kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ… không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bạn chỉ cần tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh bình thường.
Về việc ghi ngành, nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 7. Ghi ngành, nghề kinh doanh
1. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
3. Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
4. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
5. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
6. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
7. Việc ghi ngành, nghề kinh doanh quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều này; trong đó, ngành, nghề kinh doanh chi tiết được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
8. Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
9. Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp không tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo yêu cầu, cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 209 Luật doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không báo cáo giải trình, cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật doanh nghiệp.”
Như vậy, việc ghi ngành, nghề kinh doanh phải phụ thuộc vào việc bạn kinh doanh ngành nghề có điều kiện hay không có điều kiện. Việc ghi ngành, nghề kinh doanh dựa theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.